Tiền cao huyết áp là tình trạng mà rất nhiều người mắc phải hiện nay. Nó có thể tiến triển thành tăng huyết áp thực sự cũng như làm gia tăng các nguy cơ tim mạch khác. Vậy tiền cao huyết áp nguy hiểm như thế nào? Người bị tiền cao huyết áp cần phải làm gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Tiền cao huyết áp là gì?
Tiền cao huyết áp là tình trạng huyết áp lớn hơn mức bình thường nhưng lại không đủ cao để chẩn đoán tăng huyết áp.
Khuyến cáo của Hội tim mạch Việt Nam quy định, huyết áp bình thường ở người trưởng thành là khi huyết áp tối đa < 120 mmHg và huyết áp tối thiểu < 80 mmHg. Tăng huyết áp được xác định khi huyết áp lớn hơn 140/90 mmHg.
Theo đó, bạn sẽ được chẩn đoán tiền cao huyết áp khi huyết áp tối đa của bạn nằm trong khoảng 120 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu từ 80 – 89 mmHg, dựa trên ít nhất 2 kết quả đo đúng cách trong 2 lần thăm khám trở lên tại phòng khám.
Cùng với tăng huyết áp, tiền cao huyết áp đang ảnh hưởng đến khoảng 25 – 50% số người trưởng thành trên toàn thế giới và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng được nhiều người quan tâm hiện nay.
Nguyên nhân nào dẫn đến tiền cao huyết áp?
Trên thực tế, huyết áp của bạn có thể tăng cao dần qua nhiều năm và tiến triển thành tiền cao huyết áp mà không có nguyên nhân cụ thể nào.
Tuy nhiên, tiền cao huyết áp có thể xảy ra do một số bệnh lý trong cơ thể như:
- Xơ vữa động mạch.
- Bệnh lý tuyến giáp
- Bệnh thận.
- Bệnh tuyến thượng thận.
- Đái tháo đường.
- Chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc cảm, thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, một số thuốc kê đơn cũng có thể là nguyên nhân khiến huyết áp của bạn tăng cao.
Đặc biệt, nguy cơ mắc phải tiền cao huyết áp sẽ tăng lên khi bạn có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, người trẻ tuổi, giới tính (nam có tỷ lệ mắc cao hơn nữ), lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, chế độ ăn nhiều muối,…
Có thể nhận biết tiền cao huyết áp bằng cách nào?
Tiền cao huyết áp không có dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng, do đó rất khó để phát hiện tình trạng này. Cách duy nhất để biết mình có bị tiền cao huyết áp hay không là kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Để phát hiện sớm tiền cao huyết áp, bạn nên kiểm tra huyết áp ít nhất hai năm một lần kể từ khi đủ 18 tuổi. Đối với người trên 40 tuổi hay người trong độ tuổi từ 18 – 39 tuổi nhưng có các yếu tố nguy cơ của tiền cao huyết áp, việc kiểm tra cần thực hiện thường xuyên hơn, ít nhất mỗi năm một lần.
Tiền cao huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Tiền cao huyết áp thực tế không phải là một căn bệnh, nhưng nó lại là cảnh báo quan trọng rằng bạn đang có nguy cơ gặp phải các bệnh tật thực sự trong tương lai.
Tiền cao huyết áp nếu không được kiểm soát tốt có thể phát triển thành tăng huyết áp – một bệnh lý tim mạch vô cùng nguy hiểm. Nó có thể âm thầm tàn phá sức khỏe của bạn, gây ra các biến chứng nặng nề như nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh thận mạn, tổn thương ở mắt,…
Qua nghiên cứu Framingham Heart Study năm 2005, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những người ở giai đoạn tiền cao huyết áp có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao gấp hai lần so với người bình thường.
Bên cạnh đó, bản thân tiền cao huyết áp cũng làm tăng nguy cơ tim mạch khác. Các dữ liệu nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do các biến cố tim mạch sẽ tăng lên gấp đôi ở những người bị tiền cao huyết áp.
Tương tự, một khảo sát khác cũng chỉ ra rằng những người đàn ông bị tiền cao huyết áp có nguy cơ bị đau tim cao gấp 3,5 lần so với bình thường. Đáng ngạc nhiên là trong nghiên cứu này, tiền tăng huyết áp lại không làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Có thể thấy rằng, tiền cao huyết áp tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm với sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người khi được chẩn đoán tiền cao huyết áp vẫn rất chủ quan, không chú ý theo dõi và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát huyết áp, dẫn đến nhiều hậu quả và biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Người bị tiền cao huyết áp có cần điều trị bằng thuốc không?
Đối với người đang ở giai đoạn tiền cao huyết áp, mục tiêu điều trị cần đạt được là giảm huyết áp về mức bình thường, ngăn ngừa tăng huyết áp và các biến chứng tim mạch liên quan.
Trong đa số các trường hợp, để đạt được mục tiêu này, người bị tiền cao huyết áp chỉ cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống tại nhà theo tư vấn của bác sĩ mà không cần phải sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, nếu bạn được chẩn đoán tiền cao huyết áp kèm theo bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh động mạch vành hoặc bệnh động mạch ngoại biên, bác sĩ có thể cân nhắc cho bạn sử dụng thuốc hạ huyết áp với mục tiêu giảm huyết áp của bạn xuống mức bình thường.
Thay đổi lối sống ở người bị tiền cao huyết áp
Một khi bạn đã được chẩn đoán là tiền cao huyết áp, bạn nên bắt đầu thực hiện các liệu pháp thay đổi lối sống dưới đây. Thực hiện lối sống khoa học sẽ giúp bạn ngăn chặn tiến triển thành cao huyết áp cũng như phòng ngừa nhiều nguy cơ tim mạch khác.
Chế độ ăn hợp lý
Nếu bạn đang ở giai đoạn tiền cao huyết áp, chế độ dinh dưỡng phòng ngừa tăng huyết áp (Dietary Approaches to Stop Hypertension – DASH) sẽ là chế độ ăn được khuyến cáo dành cho bạn. Chế độ ăn này có thể giúp huyết áp tối đa của bạn giảm xuống khoảng 10 – 22 mmHg.
Chế độ ăn kiêng DASH nhấn mạnh đến việc giảm tiêu thụ các loại mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, nước uống có ga và các loại thịt đỏ. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, cá và thịt gia cầm.
Ngoài ra, khi bị tiền cao huyết áp, bạn cũng nên chú ý đến lượng muối đưa vào cơ thể mỗi ngày. Bạn có thể giảm số đo huyết áp xuống 2 – 8 mmHg khi giảm lượng muối trong chế độ ăn của mình.
Tập luyện thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp huyết áp tối đa của bạn giảm khoảng 4 – 9 mmHg. Việc này đem lại lợi ích to lớn đối với những người đang ở giai đoạn tiền cao huyết áp, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thực sự.
Bên cạnh đó, tập thể dục còn hỗ trợ điều hòa lượng cholesterol máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, nâng cao sức bền thành mạch, nhờ đó giúp tăng cường sức khỏe tim mạch của bạn.
Bạn không nên tập luyện quá nhiều hay tập các bài tập nặng, tốn sức mà nên lựa chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ… Bạn nên cố gắng dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, đều đặn 5 – 7 ngày một tuần và duy trì trong thời gian dài để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Kiểm soát cân nặng
Nếu bạn đang bị tiền cao huyết áp và thừa cân, bạn cần lên kế hoạch giảm cân để ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp thực sự cũng như các bệnh lý tim mạch khác như máu nhiễm mỡ hay xơ vữa động mạch.
Bạn nên duy trì chỉ số BMI của mình ở khoảng 20 – 25 kg/m2, vòng eo dưới 90 cm đối với nam và dưới 80 cm đối với nữ. Đối với những người bị thừa cân hay béo phì, việc giảm 10 kg cân nặng có thể khiến huyết áp tối đa của bạn giảm từ 5 – 10 mmHg.
Việc kiểm soát cân nặng không phải biện pháp dễ dàng và cũng không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Nó đòi hỏi bạn phải kiên trì trong cả việc thay đổi chế độ ăn uống và chế độ tập luyện hàng ngày của mình.
Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá
Một lượng nhỏ rượu bia thường ít gây ảnh hưởng đến huyết áp của bạn. Tuy nhiên, nó có thể tăng cao nếu bạn uống rượu bia nhiều và thường xuyên trong thời gian dài.
Do đó, nếu bạn đã được chẩn đoán tiền cao huyết áp, bạn nên hạn chế việc sử dụng bia rượu. Bạn chỉ nên uống tối đa 1 ly mỗi ngày đối với nữ và 2 ly mỗi ngày đối với nam. Việc giảm sử dụng rượu bia có thể khiến huyết áp tối đa giảm xuống từ 2 – 4 mmHg.
Ngoài ra, bạn cần ngừng hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc. Thuốc lá có thể khiến huyết áp của bạn tăng cao sau khi hút và là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
Hạn chế căng thẳng
Stress mạn tính có thể khiến tình trạng tiền cao huyết áp tiến triển khó kiểm soát. Vì vậy, bạn nên tránh hoặc giải quyết triệt để các vấn đề, tình huống gây stress trong cuộc sống hàng ngày.
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Tiền cao huyết áp có thể tiến triển thành tăng huyết áp thực sự trước khi nó tạo ra bất cứ triệu chứng nào. Vì vậy, cách duy nhất để bạn kiểm soát được tiến triển của tiền cao huyết áp là dựa vào số đo huyết áp.
Bạn có thể theo dõi huyết áp của mình ngay tại nhà bằng máy đo huyết áp cá nhân hoặc đi khám huyết áp tại các nhà thuốc, cơ sở y tế.
Ngoài ra, người bệnh tiền cao huyết cũng nên khám sức khỏe định kỳ thường xuyên 3 – 6 tháng một lần. Điều này giúp bạn đảm bảo rằng huyết áp của bạn đang được kiểm soát tốt cũng như nhận được thêm tư vấn của bác sĩ về các biện pháp thay đổi lối sống bạn đang thực hiện.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.health.harvard.edu/heart-health/prehypertension-does-it-really-matter
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538313/
- https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/01.hyp.0000167152.98618.4b