Bệnh nha chu là bệnh lý răng miệng thường gặp nên nhiều người chủ quan không đến các cơ sở nha khoa để khắc phục dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Một trong số đó là các vấn đề về tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Vậy tại sao lại như vậy, mối quan hệ giữa bệnh nha chu và bệnh lý tim mạch như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Bệnh nha chu và bệnh tim mạch? Dấu hiệu nhận biết?
Điều đầu tiên để hiểu rõ về mối quan hệ giữa bệnh nha chu và bệnh tim mạch, bạn cần biết chính xác hai bệnh và triệu chứng nhận biết của chúng là gì.
1.1. Bệnh nha chu
Bệnh nha chu là tình trạng tổn thương mô nha chu gây viêm, sưng tấy. Nó là bệnh lý răng miệng phổ biến, khoảng 20% dân số trên thế giới mắc phải. Khởi phát của bệnh là do viêm nướu, sau đó hình thành túi nha chu. Cùng với góp phần của sự thay đổi cơ cấu vi khuẩn trong những mảng bám của răng đã tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển và tăng sinh, xâm nhập vào mô nha chu dẫn đến tình trạng viêm. Một số vi khuẩn gây bệnh bao gồm P. gingivalis, P. intermedia, A. actinomycetemcomitans…
Triệu chứng như nướu sưng, đỏ, mềm, hôi miệng, nướu dễ chảy máu, cảm thấy đau khi nhai, răng lung lay…
Bệnh thường gặp trong độ tuổi trung niên, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người lớn.
1.2. Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch là một nhóm những bệnh lý về tim và hệ mạch máu như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, huyết khối tĩnh mạch sâu… Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Có nhiều bệnh tim mạch với đặc điểm riêng nhưng triệu chứng phổ biến của chúng bao gồm đau ngực, rối loạn nhịp tim, khó thở, nhức đầu, choáng vàng, suy giảm trí nhớ…
Bệnh tim mạch có thể bắt gặp bất cứ độ tuổi nào, trong đó người lớn tuổi là một trong những đối tượng có nguy cơ cao và có những biến chứng gây tử vong.
Bệnh nha chu và bệnh tim mạch đều thường gặp ở người nam giới nhiều hơn nữ, người có thói quen hút thuốc lá, người bị bệnh tiểu đường, béo phì, trầm cảm, căng thẳng…
2. Mối quan hệ giữa bệnh tim mạch và bệnh viêm nha chu
Viêm nha chu và bệnh tim mạch tưởng chừng như không liên quan, tuy nhiên chúng lại có những mối quan hệ với nhau. Đã phải mất một khoảng thời gian dài, kể từ lần đầu tiên nghiên cứu về vấn đề này vào năm 1989 để các chuyên gia hiểu rõ hơn sợi dây liên kết giữa hai bệnh lý này.
Năm 2013, Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khẳng định có mối liên hệ giữa viêm nha chu và xơ vữa mạch máu nhưng chưa đủ để chứng minh đây là quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này đã tìm ra được một số cơ chế của bệnh viêm nha chu góp phần vào sự phát triển của bệnh lý tim mạch.
2.1. Bệnh viêm nha chu làm tăng nguy cơ suy tim
Khi có một tác nhân nào đó xâm nhập, viêm như là một phản ứng tự nhiên để cơ thể chống lại chúng.
Phản ứng viêm sản sinh nhiều chất trung gian hóa học như interleukin, cytokine, TNF alpha, monocyte chemottractant protein-1… Đồng thời, các chuỗi phản ứng oxy hóa cũng được hoạt hóa trong cơ thể.
Bên cạnh đó, nó cũng gây ảnh hưởng tới ADN của tế bào dẫn đến chết, cơ tim kích hoạt tái cấu trúc dẫn đến các tế bào cũng tăng tốc độ chết theo chu kỳ.
Hậu quả của các quá trình này làm làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy tim.
2.2. Bệnh viêm nha chu làm tăng nguy cơ mắc hội chứng tim mạch
Khi vi khuẩn tấn công các tế bào mô nha chu, việc sản sinh nhiều chất trung gian hóa học này khiến gan có phản ứng tiếp theo (gan là nơi sản sinh và tổng hợp protein). Chính vì vậy, viêm nha chu có thể kích hoạt giải phóng các protein phản ứng C (CRP) vào trong máu.
Sự gia tăng của protein này kích hoạt phản ứng viêm ở trong và ngoài mạch máu. Nếu quá trình này diễn ra tại thành mạch thì sẽ là điều kiện lý tưởng để hình thành các mảng xơ vữa trong động mạch. Bên cạnh đó, những chất trung gian này làm thay đổi quá trình chuyển hóa lipid và thúc đẩy tăng lipid máu.
Như vậy, các phản ứng viêm nha chu đã kích hoạt sản sinh mảng xơ vữa, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
2.3. Bệnh viêm nha chu có thể gây xơ vữa mạch máu
Những vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu có thể xâm nhập vào trong mạch máu, hình thành ổ nhiễm trùng tại lòng mạch. Những ổ này khiến dòng máu chảy không thành lớp hay bị xoáy có thể tạo thành các mảng xơ vữa, hay viêm nội tâm mạc bán cấp gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, vi khuẩn trong lòng mạch có thể làm ảnh hưởng tới các yếu tố trung gian của bệnh thành mạch. Chúng tham gia vào sinh bệnh học thành mạch và gây kết tụ tiểu cầu, dẫn đến làm tăng đông máu gây bệnh lý mạch máu như xơ vữa.
3. Điều trị viêm nha chu để ngăn ngừa bệnh tim mạch
Bệnh nha chu diễn biến thầm lặng nên người bệnh rất dễ bị bỏ qua, đến khi phát hiện thì đã nặng. Điều này càng là mối nguy hại với những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, nhất là ở người lớn tuổi. Do đó, việc điều trị viêm nha chu sớm là điều quan trọng để ngăn ngừa hiệu quả.
Mục tiêu của việc điều trị viêm nha chu là làm sạch các mảng bám, vi khuẩn và các túi viêm nha chu xung quan răng. Đồng thời ngăn chặn tình trạng viêm dẫn đến tổn thương xương ổ răng.
Các biện pháp điều trị bệnh nha chu được thực hiện như sau:
– Làm sạch cao răng: Bạn nên đến cơ sở nha khoa để được các nha sĩ cạo vôi loại bỏ cao răng, vi khuẩn trên bề mặt răng và bên dưới nướu. Bất cứ túi nha chu nào được hình thành đều cần phải làm sạch sâu để chữa lành những ổ viêm.
– Bào láng gốc răng: Kỹ thuật này giúp làm mịn, đánh bóng chân răng, giảm thiểu tình trạng tích tụ cao răng và vi khuẩn. Bởi những vết sần sùi trên chân răng chính là nơi vi khuẩn có xu hướng tích tụ nhiều nhất.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Khi vệ sinh răng kỹ lưỡng sẽ làm giảm số lượng vi khuẩn gây hại trong miệng. Các phương pháp bao gồm đánh răng 2 lần/ngày bằng kem đánh răng có chứa flour (cân nhắc dùng bàn chải điện sẽ làm sạch cao hơn), dùng chỉ nha khoa ít nhất ngày 1 lần để loại bỏ mảng bám, sử dụng nước súc miệng…
– Dùng thuốc kháng sinh: Trong một số trường hợp, nha sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng nướu mà không đáp ứng với các phương pháp làm sạch bên trên. Những thuốc này có thể ở dạng nước súc miệng, gel bôi hoặc dạng viên để ống. Kháng sinh thường được sử dụng là spiramycin kết hợp với metronidazole.
– Phẫu thuật nếu viêm nha chu tiến triển: Nếu tình trạng viêm vẫn tiếp diễn tại những vị trí không thể đánh răng hay dùng chỉ nha khoa, nha sĩ có thể đề nghị bạn làm một thủ thuật nhỏ là phẫu thuật tạo vạt. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê, sau đó nâng nướu lên để làm sạch chân răng và cuối cùng là khâu lại. Giải pháp này giúp làm sạch cặn bẩn dưới nướu, điều trị bệnh viêm nha chu hiệu quả.
Đồng thời để bệnh viêm nha chu không tiến triển nhanh bạn cần thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc lá, giảm thực phẩm chứa nhiều đường, hạn chế uống rượu bia…
4. Cách phòng ngừa bệnh nha chu như thế nào?
Viêm nha chu vẫn có thể tái phát nếu bạn không ngăn ngừa hiệu quả. Do đó, việc thực hiện những biện pháp dưới đây để dự phòng bệnh viêm nha chu là điều cần thiết. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) đưa ra lời khuyên như sau:
– Vệ sinh răng miệng:
- Đánh răng trong 2 phút ngày 2 lần bằng bàn chải điện hoặc bàn chải tay có lông mềm và đảm bảo chải tất cả bề mặt của răng.
- Sử dụng kem đánh răng có flour.
- Thay bàn chải đánh răng 3 – 4 tháng/lần hoặc sớm hơn nếu thấy lông bàn chải bị sờn, nhão.
- Không dùng chung bàn chải đánh răng với người khác vì vi khuẩn có thể lây truyền giữa mọi người.
– Xây dựng chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe răng miệng. Việc bổ sung nhiều thực phẩm với hàm lượng đường cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu… Do đó, việc xây dựng chế độ ăn uống để ngăn ngừa viêm nha chu là điều cần thiết. Bạn nên bổ sung nhiều hơn trái cây và rau quả tươi để cung cấp khoáng chất tăng sức khỏe của răng.
– Khám răng định kỳ 6 tháng/lần: Việc đến nha sĩ định kỳ để làm sạch chuyên sâu là điều quan trọng để ngăn ngừa các bệnh răng miệng, trong đó có bệnh viêm nha chu. Nếu thấy những dấu hiệu sớm, bác sĩ có thể phát hiện và khắc phục nhanh chóng.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi :”Bệnh nha chu có mối quan hệ gì với các bệnh tim mạch?” và một số biện pháp khắc phục bệnh nha chu. Mong rằng bài viết có thể giúp ích được cho bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe.
Tài liệu tham khảo
- http://hoiyhoctphcm.org.vn/wp-content/uploads/2019/10/01-Bs-Bich-V%C3%A2n-b.nha-chu-va-b.toan-than-8tr3-10.pdf
- https://suckhoedoisong.vn/moi-lien-he-giua-benh-viem-nha-chu-va-cac-benh-tim-mach-169178404.htm#
- http://www.bjcvs.org/article/2210/en-us/Cardiovascular-and-periodontal-diseases