“Tôi chẳng có bệnh gì cả, có mỗi cái huyết áp cao!” Căn bệnh nghe có vẻ bình thường này thực chất là tiềm tàng của nhiều bệnh nguy hiểm khác, và đang gia tăng nhanh chóng, chiếm đến 25% số người trưởng thành vào giai đoạn 2003 – 2008, trong khi những năm 1970 chỉ là 2%.
Mục lục
Cao huyết áp là bệnh gì?
Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,…
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường không rõ triệu chứng, trừ khi bệnh nhân tăng huyết áp lên quá cao và đột ngột có thể xuất hiện tình trạng choáng váng, ù tai, hoa mắt, đỏ mặt buồn nôn, đau tức ngực,… Tuy nhiên đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì thế tăng huyết áp còn được gọi là ‘kẻ giết người thầm lặng”.
Các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp
Ảnh hưởng đến động mạch
Tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm hư lớp nội mạc của mạch vành, làm các phân tử Cholesterol trọng lượng phân tử thấp (Cholesterol-LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào động mạch vành, sau đó làm hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành.
- Khi bị hẹp động mạch vành nhiều, người bệnh sẽ thấy đau ngực, tức ngực khi gắng sức, vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức.
- Nếu mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong lòng động mạch vành hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ thấy đau dữ dội trước ngực, khó thở, đổ mồ hôi, đau có thể lan lên cổ, tay trái và sau lưng.
Nguy hiểm hơn, tăng huyết áp còn dẫn đến biến chứng về mạch ngoại vi, sẽ làm động mạch chủ phình to và có thể bóc tách, vỡ thành động mạch chủ dẫn đến tử vong. Đông thời còn làm hẹp động mạch chậu, động mạch chân, động mạch đùi. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, người bệnh sẽ có triệu chứng đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ.
Ảnh hưởng đến não
Tăng huyết áp còn gây ra các biến chứng về não như tai biến mạch máu não, nhũn não, thiếu máu não.
Cao huyết áp cũng làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự như mạch vành), nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết 1 vùng não hay còn gọi là nhũn não.
Khi cao huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não thì các mạch máu não sẽ không chịu nổi áp lực dẫn đến bị vỡ, lúc đó người bệnh bị xuất huyết não gây liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong. Triệu chứng của bệnh nhân tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết.
Ảnh hưởng đến thận
Thận lọc chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu của bạn – một quá trình đòi hỏi các mạch máu phải khỏe mạnh. Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu dẫn đến thận của bạn.
Các vấn đề về thận do huyết áp cao bao gồm:
- Hỏng màng lọc của các tế bào thận: Làm bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có), lâu ngày gây suy thận.
- Hẹp động mạch thận: Làm thận tiết ra nhiều chất Renin gây huyết áp cao hơn, nếu bị hẹp động mạch thận lâu ngày sẽ gây nên suy thận.
- Xơ cứng cầu thận: Loại tổn thương thận này xảy ra khi các mạch máu nhỏ bên trong thận bị tổn thương và không thể lọc chất lỏng và chất thải ra khỏi máu một cách hiệu quả. Bệnh xơ cứng cầu thận có thể dẫn đến suy thận.
- Suy thận: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của suy thận. Khi thận không thể lọc các chất thải, chúng sẽ bị tích tụ lại trong cơ thể. Đến mức độ nhất định, bạn sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.
Ảnh hưởng đến mắt
Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho mắt của bạn, gây ra:
- Bệnh võng mạc: Có thể dẫn đến chảy máu trong mắt, mờ mắt và mất thị lực hoàn toàn.
- Tích tụ chất lỏng dưới võng mạc: Gây suy giảm thị lực.
- Bệnh thần kinh thị giác: Lưu lượng máu bị tắc nghẽn có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác, dẫn đến chảy máu trong mắt hoặc mất thị lực.
Rối loạn chức năng tình dục
Tình trạng rối loạn cương dương ngày càng trở nên phổ biến ở nam giới khi họ bước vào tuổi 50. Nhưng nam giới bị huyết áp cao thậm chí có nhiều khả năng bị rối loạn cương dương hơn. Đó là vì lưu lượng máu hạn chế do huyết áp cao có thể ngăn máu chảy đến dương vật của bạn.
Phụ nữ cũng có thể bị rối loạn chức năng tình dục do huyết áp cao. Lưu lượng máu đến âm đạo giảm có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục hoặc kích thích, khô âm đạo hoặc khó đạt được cực khoái.
Các biến chứng nguy hiểm khác
So sánh giữa người cao huyết áp và người huyết áp bình thường thì:
- Bệnh động mạch vành tăng gấp 3 lần
- Suy tim tăng 6 lần
- Đột quỵ tăng 7 lần
Ở người tăng huyết áp mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức hoặc tăng vọt bất cứ lúc nào (hay gặp nhất vào buổi sáng) đều là yếu tố bất lợi vì rất dễ bị đột quỵ não.
Người bị cao huyết áp đột quỵ có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời hoặc bị hôn mê với đời sống thực vật, nếu qua khỏi sẽ để lại di chứng nặng nề về tâm thần kinh như liệt nửa người, đi đứng, nói năng khó khăn, giảm trí nhớ, lú lẫn….
Biến chứng của cơn tăng huyết áp
Huyết áp cao thường là một tình trạng mãn tính, dần dần gây tổn thương trong nhiều năm. Nhưng đôi khi huyết áp tăng nhanh và nghiêm trọng (Huyết áp tâm thu thường tăng trên 180mmHg và huyết áp tâm trương thường tăng trên 120 mmHg), người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Cơn tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như:
- Mất trí nhớ, thay đổi tính cách, khó tập trung, cáu kỉnh
- Đột quỵ
- Tổn thương nghiêm trọng đối với động mạch chính của cơ thể (bóc tách động mạch chủ)
- Đau ngực
- Đau tim
- Sự bơm máu của tim bị suy giảm đột ngột, dẫn đến việc dự trữ chất lỏng trong phổi dẫn đến khó thở (phù phổi)
- Mất chức năng thận đột ngột
- Các biến chứng trong thai kỳ (tiền sản giật hoặc sản giật)
- Mù lòa
Lắng nghe lời khuyên của chuyên gia
Các biện pháp phòng ngừa biến chứng cao huyết áp
Theo các bác sĩ, đại đa số các bệnh nhân bị cao huyết áp thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Nhiều bệnh nhân hoàn toàn cảm thấy bình thường, do vô tình khám sức khỏe mới biết bị bệnh. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình đã có người thân bị cao huyết áp…) là hết sức cần thiết và quan trọng.
Kết hợp chế độ ăn hợp lý:
- Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày)
- Hạn chế các thức ăn chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, mì ăn liền, xúc xích, thịt hun khói…
- Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi.
- Đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày.
- Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (bơ, mỡ động vật…), lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ.
- Không ăn phủ tạng động vật, tăng cường ăn cá.
Ngoài ra:
- Hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.
- Uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều.
- Đo huyết áp ít nhất mỗi ngày một lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị. Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ…) trong quá trình điều trị.
Đừng chủ quan nếu bạn bị cao huyết áp bởi nó có thể gây ra rất nhiều hậu quả nguy hiểm không thể lường trước. Chúc bạn đọc nhiều sức khỏe, tránh xa các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp.
Nguồn tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/in-depth/high-blood-pressure/art-20045868