Cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe tim mạch lo lắng nó gây ảnh hưởng tới huyết áp. Vậy uống cà phê có tăng huyết áp không? Chúng ta cùng khám phá ngay câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Khoa học nói gì về việc uống cà phê tăng huyết áp?
Hiện nay có nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm mối liên hệ giữa việc sử dụng cà phê với tăng huyết áp. Trong đó, có 2 quan điểm về vấn đề này là: cà phê làm tăng huyết áp tạm thời và cà phê không ảnh hưởng tới huyết áp nếu sử dụng lâu dài.
– Uống cà phê gây tăng huyết áp tạm thời và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn:
Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng uống cà phê có thể gây ra sự tăng huyết áp tạm thời. Nguyên nhân chủ yếu là do caffeine – một chất kích thích mạnh mẽ trong cà phê có thể làm co mạch máu và tăng cường hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Khi mạch máu bị co lại, áp lực máu lên thành mạch tăng, dẫn đến hiện tượng tăng huyết áp tạm thời.
Cụ thể trong nghiên cứu “Tác động của việc tiêu thụ cà phê đến huyết áp, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường” của Steven G. Chrysant cho thấy ở những người sau khi uống cà phê thấy huyết áp tăng lên tuy nhiên nó không có tác dụng kéo dài.
Một nghiên cứu khác “Thời điểm đo huyết áp liên quan đến việc tiêu thụ caffeine” của Jane R.Mort cũng có kết quả tương tự: việc uống cà phê có thể làm tăng huyết áp tâm thu từ 5 – 15 mmHg, và huyết áp tâm trương từ 4 -13mmHg. Hiệu ứng này xuất hiện sau khi uống 30 phút, đạt đỉnh sau 1-2 giờ và kéo dài đến vài giờ. Tuy nhiên, sự tăng huyết áp này chỉ mang tính chất tạm thời và thường biến mất khi caffeine được đào thải khỏi cơ thể.
– Uống cà phê không gây tăng huyết áp ở những người sử dụng thường xuyên:
Mặc dù cà phê có thể gây tăng huyết áp tạm thời, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ cà phê đều đặn không dẫn đến tăng huyết áp sau khi uống. Một nghiên cứu về việc theo dõi việc sử dụng cà phê ở những đối tượng khác nhau được công bố trên Tạp chí sức khỏe của đại học Harvard cho kết quả: cà phê làm tăng huyết áp tâm thu trung bình 13 mmHg và huyết áp tâm trương 7 mmHg ở những người không uống cà phê thường xuyên nhưng những người hay uống thì lại không gây tăng huyết áp.
Theo một bài báo khác từ Mayo Clinic, dù caffeine có thể làm tăng huyết áp tạm thời, nhưng những người uống cà phê thường xuyên có thể phát triển một mức “chịu đựng” với tác động của caffeine, dẫn đến việc không có sự thay đổi trong mức huyết áp của họ. Nói cách khác, cơ thể có thể thích nghi với lượng caffeine được tiêu thụ đều đặn, giảm thiểu các tác động tới huyết áp của người dùng.
Người bị cao huyết áp có uống cà phê được không?
Mặc dù cà phê có thể làm tăng huyết áp tạm thời ở một số người, nó cũng mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả những lợi ích tốt cho người bị cao huyết áp:
- Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ mạch máu: Cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như axit chlorogenic, có thể giúp giảm viêm và bảo vệ mạch máu, có lợi cho tim mạch. Mặc dù cà phê có thể gây khó chịu vì tạo cảm giác mạch đập nhanh nhưng nó không gây ra các rối loạn về nhịp tim, bao gồm những người bị đau tim.
- Giảm nguy cơ bệnh tiểu đường type 2, sỏi mật và sỏi thận: Theo nghiên cứu, cà phê đã được chứng minh có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, một trong những yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến cao huyết áp. Ngoài ra, nó cũng có khả năng giảm tỷ lệ mắc sỏi mật, sỏi thận.
- Ngăn ngừa ung thư: Cũng nhờ các chất chống oxy hóa, cà phê được chứng minh có khả năng giảm nguy cơ mắc ung thư gan, ung thư nội mạc tử cung…
Vậy những người bị cao huyết áp có nên uống cà phê hay không? Đây là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì cơ thể mỗi người phản ứng với cà phê khác nhau, và tác động của cà phê đối với huyết áp có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, những người bị cao huyết áp có thể dựa vào những yếu tố dưới đây và đưa ra quyết định của mình:
Phản ứng của cơ thể đối với cà phê: Mỗi người phản ứng khác nhau với cà phê. Một số người có thể gặp các tác dụng phụ như cảm giác tim đập nhanh, ợ nóng, lo lắng, hồi hộp, mất ngủ, tăng huyết áp… trong khi có người thì không. Do đó, việc theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi uống cà phê là rất quan trọng. Nếu thấy các triệu chứng khó chịu, tốt nhất người bị cao huyết áp nên hạn chế sử dụng thức uống này.
Liều lượng: Lượng cà phê tiêu thụ cũng đóng vai trò quan trọng. Uống một lượng vừa phải, chẳng hạn dưới 400mg caffeine/ngày tương ứng 4-5 tách cà phê nhỏ mỗi ngày, thường không gây hại. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể gây ra các tác động tiêu cực như mất ngủ, khó chịu, hay thậm chí là say cà phê.
Loại cà phê: Một lựa chọn khác cho người bị cao huyết áp là cà phê decaf. Loại cà phê này đã loại bỏ hầu hết caffeine, do đó ít có khả năng gây tăng huyết áp tạm thời. Đây có thể là một giải pháp thay thế tốt cho những người yêu thích hương vị cà phê nhưng muốn tránh tác động của caffeine lên huyết áp.
Độ đậm đặc của cà phê: Độ mạnh của cà phê cũng là một yếu tố cần cân nhắc. Cà phê đậm đặc chứa nhiều caffeine hơn và có thể gây tăng huyết áp mạnh mẽ hơn so với cà phê loãng.
Thời điểm uống cà phê: Thời điểm uống cà phê cũng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người cao huyết áp. Uống cà phê vào buổi sáng được khuyến khích hơn việc uống vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối. Ngoài ra nên hạn chế uống khi dạ dày rỗng do ảnh hưởng tiêu cực tới nồng độ cortisol và đường huyết.
Một số lưu ý khác cho người bị tăng huyết áp
Việc điều trị tăng huyết áp không chỉ trong vài ngày, vài tháng mà kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời vì vậy để duy trì sức khỏe tốt người bệnh nên thiết kế một lối sống phù hợp cho mình. Dưới đây là một số gợi ý cho người bị tăng huyết áp:
1. Chế độ ăn uống lành mạnh:
- Giảm muối: Muối là một trong những tác nhân chính làm tăng huyết áp. Người bị tăng huyết áp nên hạn chế lượng muối tiêu thụ hàng ngày, lý tưởng là dưới 5-6 gram (khoảng một thìa nhỏ). Tránh các thực phẩm chứa nhiều muối như đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn, và thức ăn nhanh.
- Tăng cường ăn rau xanh và trái cây: Rau xanh và trái cây chứa nhiều kali, một khoáng chất giúp cân bằng tác động của muối và hỗ trợ giảm huyết áp. Các loại trái cây như chuối, cam, và dưa hấu rất giàu kali.
- Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, và lúa mì nguyên cám cung cấp nhiều chất xơ, giúp giảm cholesterol và hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
- Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và cholesterol: Tránh các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa như thịt đỏ, bơ, và các sản phẩm từ sữa nguyên kem. Thay vào đó, nên chọn các loại chất béo lành mạnh từ cá, quả hạch, và dầu ô liu.
2. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục hàng ngày chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, hoặc đạp xe, yoga, dưỡng sinh… có thể giúp tăng cường lưu thông máu, tim đập khỏe mạnh, ổn định huyết áp một cách tự nhiên. Tuy nhiên, cần luyện tập vừa sức tránh căng thẳng trong quá trình tập. Mục tiêu nên là ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
3. Kiểm soát cân nặng
Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp. Giảm cân, thậm chí chỉ vài kg, có thể giúp giảm đáng kể huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
4. Quản lý căng thẳng
Khi cơ thể gặp bị căng thẳng và thích kích thích tuyến thượng thận sản xuất hormone adrenaline, cortisol… Các hoạt chất này là nguyên nhân dẫn tới tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng lưu lượng máu tới cơ bắp… Vì vậy, việc quản lý căng thẳng ở những người bị tăng huyết áp là điều cần thiết.
Người bị tăng huyết áp có thể áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga, hít thở sâu, hoặc nghe nhạc thư giãn, giảm tải công việc. Tốt nhất là cố gắng cân bằng thời gian giữa công việc và nghỉ ngơi.
5. Hạn chế sử dụng các chất kích thích
- Tránh rượu: Uống rượu có thể làm tăng huyết áp, đặc biệt là khi tiêu thụ nhiều. Người bị tăng huyết áp nên hạn chế hoặc tránh rượu hoàn toàn.
- Không hút thuốc: Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn làm co mạch máu, tăng huyết áp, và gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
6. Theo dõi huyết áp thường xuyên
- Đo huyết áp tại nhà: Sử dụng máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên. Việc này giúp bạn nắm bắt kịp thời các thay đổi và có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Người bệnh có thể lựa chọn máy đo huyết áp tự động dễ dùng, đọc kết quả nhanh chóng và chính xác. Trong đó, máy đo huyết áp Omron đến từ Nhật Bản được nhiều người lựa chọn. Đây là máy đo huyết áp Omron được xếp hạng là thương hiệu bán chạy nhất toàn cầu vào năm 2022 theo khảo sát của Công ty TNHH Fuji Keizai.
- Tư vấn bác sĩ: Nếu huyết áp của bạn liên tục ở mức cao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp, bao gồm điều chỉnh lối sống hoặc sử dụng thuốc.
7. Mẹo nhỏ khác để giảm huyết áp
- Uống nước đầy đủ: Cơ thể thiếu nước có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Hãy chắc chắn rằng bạn uống đủ nước mỗi ngày để giúp duy trì huyết áp ổn định.
- Hạn chế đồ ngọt và thực phẩm chứa nhiều đường: Đường, đặc biệt là trong các loại thức uống ngọt, có thể góp phần làm tăng cân và tăng nguy cơ cao huyết áp. Hãy cố gắng giảm lượng đường tiêu thụ hàng ngày.
- Massage cổ và tai để điều hòa lượng máu lên não, giảm căng cơ ở cổ, ổn định huyết áp.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi “uống cà phê có bị tăng huyết áp không?” và một số gợi ý để cải thiện sức khỏe cho người bị cao huyết áp. Mong rằng bài viết giúp ích được cho bạn, chúc bạn thật nhiều sức khỏe.