Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Do đó, các vấn đề liên quan đến tăng huyết áp cũng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là về cơ chế bệnh sinh của bệnh. Nếu bạn cũng đang thắc mắc không biết rằng cơ chế nào gây nên tăng huyết áp thì bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp cho câu hỏi trên.
Mục lục
Tìm hiểu chung về bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính trong đó áp lực máu tác động lên thành động mạch tăng cao một cách thường xuyên.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) cùng Hiệp hội tăng huyết áp quốc tế (ISH) đã thống nhất xác định tăng huyết áp là khi huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) từ 90mmHg trở lên.
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, người ta có thể chia tăng huyết áp thành hai loại như sau:
- Tăng huyết áp nguyên phát: Không xác định được nguyên nhân gây bệnh, thường chiếm khoảng 90%.
- Tăng huyết áp thứ phát: Xác định được nguyên nhân gây tăng huyết áp, chiếm khoảng 10% trong tổng số người bệnh.
Cơ chế tăng huyết áp
Cơ chế hình thành huyết áp
Huyết áp là áp lực mà dòng máu tác động lên thành mạch khi máu chảy trong hệ thống mạch. Do đó, nó phụ thuộc vào hai yếu tố là cung lượng tim và sức cản ngoại vi. Mối quan hệ giữa huyết áp và các yếu tố này được biểu diễn qua công thức:
Huyết áp = Cung lượng tim x sức cản ngoại vi.
Trong đó, cung lượng tim là lượng máu tim bơm đi được trong một phút. Cung lượng tim sẽ phụ thuộc vào sức co bóp của tim, tiền gánh (lượng máu về tim khi tim giãn), hậu gánh (sức cản của các động mạch với sự co bóp của tim) và tần số tim.
Sức cản ngoại vi là lực chống lại dòng chảy của máu. Nó phụ thuộc vào chiều dài động mạch, bán kính động mạch và độ quánh của máu.
Cơ chế tăng huyết áp nguyên phát
Cơ chế gây tăng huyết áp nguyên phát thường rất phức tạp và có sự tham gia đồng thời của rất nhiều yếu tố.
Nhờ sự nỗ lực của các nhà khoa học, nhiều nghiên cứu gần đây đã làm sáng tỏ hơn một số cơ chế bệnh sinh của tăng huyết áp nguyên phát. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết được trong đó yếu tố nào là yếu tố khởi phát bệnh và yếu tố nào là yếu tố duy trì bệnh.
Dưới đây là một số cơ chế gây tăng huyết áp nguyên phát đã được nghiên cứu và phát hiện:
☛ Vai trò của natri:
Lượng natri đưa vào cơ thể vượt quá khả năng đào thải của thận là nguyên nhân gây tăng áp suất thẩm thấu máu, dẫn đến giữ nước, làm tăng thể tích máu trong cơ thể và tăng lượng máu về tim. Điều này sẽ khiến cung lượng tim tăng lên gây tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp rối loạn vận chuyển natri qua màng tế bào do bơm Na – K bị khiếm khuyết hoặc bị ức chế hay màng tế bào tăng tính thẩm thấu với natri, ion natri sẽ được vận chuyển nhiều vào trong tế bào. Kết quả là làm tế bào nhạy cảm hơn với kích thích giao cảm cơ trơn của thành mạch, gây tích nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn tới tăng huyết áp
☛ Vai trò của hệ Renin – Angiotensin – Aldosteron:
Hệ Renin – Angiotensin – Aldosteron (viết tắt tiếng Anh là RAAS) là một hệ thống các hormon làm nhiệm vụ điều hòa huyết áp và cân bằng natri trong cơ thể người.
Renin là một enzyme được hình thành ở bộ máy cận cầu thận. Trong một số trường hợp đặc biệt, Renin sẽ được tiết ra và xúc tác chuyển đổi Angiotensinogen thành Angiotensin I.
Đến lượt mình, Angiotensin I sẽ được chuyển hóa thành Angiotensin II nhờ enzyme tương ứng. Angiotensin II là một chất gây tăng huyết áp mạnh theo các cơ chế sau:
- Gây co mạch máu mạnh làm tăng sức cản ngoại vi.
- Kích thích vỏ thượng thận bài tiết aldosteron là hormone có tác dụng tăng tái hấp thu natri và nước ở ống lượn xa và ống góp của thận, làm tăng thể tích máu và dẫn đến tăng huyết áp do tăng cung lượng tim.
- Kích thích vùng dưới đồi bài tiết hormone ADH có tác dụng tăng tái hấp thu nước ở ống lượn xa và ống góp của thận gây tăng huyết áp do thể tích máu tăng.
- Gây cảm giác khát để uống nước bổ sung, từ đó làm tăng thể tích máu, tăng cung lượng tim và tăng huyết áp.
Ngoài cơ chế gây tăng huyết áp do thiếu máu thận, hệ RAAS này còn tác động tới tim, mạch, thận qua việc kích hoạt một số yếu tố vận mạch và yếu tố tăng trưởng gây co mạch và phì đại tế bào thành mạch.
☛ Vai trò của hệ thần kinh giao cảm:
Hệ thần kinh giao cảm bị kích thích sẽ làm tăng sản xuất catecholamin (bao gồm các hormone: epinephrine (adrenaline), dopamine và norepinephrine (noradrenaline)). Các chất hóa học này sẽ gây tăng huyết áp thông qua hai cơ chế:
- Gây tăng sức co bóp của tim, tăng tần số tim dẫn đến tăng cung lượng tim.
- Gây co tĩnh mạch, tiểu động mạch đi và phì đại thành mạch máu. Kết quả là sức cản ngoại vi tăng lên.
☛ Vai trò của lớp nội mạc:
Bình thường, tế bào nội mạc mạch máu sản xuất ra các yếu tố giãn mạch (NO,…) và yếu tố co mạch (endothelin,…). Do đó, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong cơ chế tăng huyết áp. Rối loạn nội mạc gây tăng tiết các chất co mạch hay giảm tiết chất giãn mạch đều có thể gây tăng huyết áp do tăng sức cản ngoại vi.
NO có tác dụng giãn mạch, ức chế tiểu cầu ngưng tụ, ức chế phì đại cơ trơn thành mạch, bảo vệ thành mạch chống vữa xơ và huyết khối. Người ta nhận thấy rằng, ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát thường giảm rõ rệt mức sản xuất NO, dẫn đến bất thường trong sự giãn mạch phụ thuộc nội mạc.
Ngược lại, Endothelin gây co cơ trơn thành mạch, đồng thời làm phì đại những tế bào này. Ở một số bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát, người ta phát hiện có sự tăng hàm lượng endothelin.
☛ Vai trò của stress:
Stress kích thích trực tiếp đến hệ thần kinh giao cảm làm tăng tiết catecholamin dẫn đến tăng huyết áp.
☛ Trạng thái béo phì:
Béo phì có liên quan đến sự tăng thể tích dịch ngoại bào, tăng lưu lượng máu ở mô và cung lượng tim, kích hoạt RAAS, giảm bài tiết natri và tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Tất cả những thay đổi này đều đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng huyết áp liên quan đến tăng cân.
Hơn nữa, sự tích tụ chất béo xung quanh thận gây chèn ép lên thận và sự tăng áp lực vùng bụng cũng được coi là một cơ chế quan trọng khác dẫn đến tăng huyết áp do béo phì.
☛ Kháng insulin:
Insulin tăng cao trong máu ở những người mắc phải tình trạng kháng insulin có thể gây tăng huyết áp thông qua những cơ chế sau:
- Làm tăng tái hấp thu natri và nước ở thận, thay đổi vận chuyển ion qua màng tế bào (tích Ca++ ở nội bào).
- Tăng sản xuất các yếu tố sinh trưởng tế bào và co cơ trơn thành mạch.
- Kích thích hệ thần kinh giao cảm.
- Tăng tiết endothelin (yếu tố gây co mạch).
Cơ chế gây tăng huyết áp thứ phát
Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng huyết áp tăng cao do một bệnh lý cụ thể trong cơ thể gây ra. Do đó, cơ chế gây tăng huyết áp thứ phát cũng phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây ra bệnh.
Sau đây là cơ chế gây tăng huyết áp thứ phát của một số nguyên nhân thường gặp:
☛ Tăng huyết áp do xơ vữa động mạch:
Là tình trạng cholesterol dư thừa trong máu đọng lại ở thành mạch tạo thành mảng, dẫn đến thoái hóa vách mạch, gây nên xơ hóa. Đồng thời với đó là hiện tượng lắng đọng canxi làm thành mạch của bạn trở nên dày và cứng, khả năng đàn hồi của thành mạch giảm. Kết quả là sức cản ngoại vi tăng lên gây tăng huyết áp.
☛ Các bệnh lý thận gây thiếu máu thận:
Thiếu máu thận dẫn đến thiếu oxy đến thận. Điều này tác động lên bộ máy cận cầu thận làm nó tăng tiết renin. Renin có tác dụng hoạt hóa angiotensinogen và các phản ứng tiếp theo để tăng tổng hợp angiotensin II, là chất có tác dụng làm tăng huyết áp.
☛ Tăng huyết áp do bệnh nội tiết:
- U tủy thượng thận: Làm nồng độ catecholamine tăng cao trong máu gây tăng huyết áp.
- Hội chứng Conn: U vỏ thượng thận làm tăng tiết aldosteron nguyên phát.
- Hội chứng Cushing: tăng tiết glucocorticoid và mineralocorticoid dẫn đến ứ natri và giữ nước, làm tăng huyết áp.
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp?
Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng nhưng lại có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan, bộ phận trong cơ thể bạn bằng nhiều cách khác nhau, dẫn đến biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành mạn tính, tổn thương thận và mắt…
Do đó, nếu bạn đang có một trong các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp dưới đây, bạn nên chú ý kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là huyết áp thường xuyên để phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm, tránh để bệnh diễn biến nghiêm trọng:
- Di truyền: Tăng huyết áp là bệnh lý có xu hướng di truyền. Nếu bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bạn bị tăng huyết áp, bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh này cao hơn.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ tăng huyết áp càng tăng lên.
- Rối loạn mỡ máu.
- Thừa cân, béo phì: Người có chỉ số BMI từ 23kg/m2 trở lên có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn.
- Chế độ ăn mặn, nhiều muối.
- Hút thuốc lá.
- Người uống nhiều bia rượu.
- Lười vận động.
- Stress kéo dài.
Người bệnh tăng huyết áp cần làm gì?
Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính cần được kiểm tra, theo dõi thường xuyên và kiên trì điều trị suốt đời. Để đem lại hiệu quả cao nhất, việc điều trị tăng huyết áp cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện chế độ ăn uống, chế độ vận động lành mạnh và sử dụng thuốc điều trị đúng cách:
Chế độ ăn uống
- Chế độ ăn hợp lý, tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả tươi, các loại ngũ cốc và gạo chế biến thô, thực phẩm nhiều xơ, thịt gia cầm không da, thịt nạc, cá,..,hạn chế thức ăn giàu cholesterol và acid béo no.
- Giảm ăn muối, chỉ nên dùng 1 thìa cà phê muối (tương đương 5g muối) mỗi ngày.
- Kiểm soát cân nặng nếu thừa cân, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số BMI dưới 23 kg/m2, duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc.
>> Xem chi tiết hơn trong bài: Cao huyết áp nên ăn gì kiêng gì?
Chế độ vận động, nghỉ ngơi
- Tập luyện thể dục thường xuyên: Chế độ tập luyện tối ưu là tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần với cường độ tập đủ mạnh. Nếu bạn có vấn đề về tim mạch, bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp nhất.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, stress kéo dài. Cần ngủ đủ giấc, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định
Nếu huyết áp của bạn tăng quá cao, trên giới hạn cho phép hoặc khi bạn có những nguy cơ tim mạch đi kèm thì bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp.
Hiện nay, dựa trên cơ chế bệnh sinh của tăng huyết áp, khoa học đã nghiên cứu và phát triển nhiều loại thuốc hạ huyết áp có hiệu quả tốt với các cơ chế tác dụng khác nhau như làm giảm dịch và muối, gây giãn mạch, ngăn cản sự co mạch,… từ đó làm giảm huyết áp.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn cũng như các bệnh lý đi kèm mà bác sỹ sẽ kê cho bạn loại thuốc tăng huyết áp phù hợp nhất. Một số nhóm thuốc được ưu tiên lựa chọn là: Thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh calci, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin, thuốc chẹn beta giao cảm.
Lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc tăng huyết áp:
- Không được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi huyết áp đã giảm về bình thường.
- Duy trì điều trị lâu dài.
- Sử dụng đúng liều lượng được chỉ định, uống thuốc đều đặn, đúng giờ.
- Lưu ý đến các tác dụng phụ của thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường khi dùng thuốc.
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm với cơ chế sinh bệnh vô cùng phức tạp. Hiểu được phần nào cơ chế tăng huyết áp sẽ giúp bạn có các biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị bệnh một cách có hiệu quả nhất để có thể chung sống hòa bình và lâu dài với căn bệnh này.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/hypertension/hypertension
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1120075/
- https://oxfordmedicine.com/view/10.1093/med/9780198784906.001.0001/med-9780198784906-chapter-563