Huyết áp thấp là căn bệnh phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người bệnh chủ quan, chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh lý này và không điều trị kịp thời khiến bệnh diễn biến nặng hơn. Vì vậy, việc hiểu rõ phương pháp điều trị huyết áp thấp là rất quan trọng để hạn chế tiến triển và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Mục lục
Huyết áp thấp là do đâu?
Huyết áp thấp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành mạch giảm thấp hơn so với bình thường, biểu hiện ở trị số huyết áp giảm dưới 90/60 mmHg.
Huyết áp thấp có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Do thai kỳ.
- Bệnh lý tim mạch: Nhịp tim chậm, bệnh van tim, đau tim, suy tim…
- Bệnh nội tiết: Bệnh tuyến cận giáp, hạ đường huyết, suy tuyến thượng thận…
- Mất nước: Sốt, nôn, tiêu chảy nặng, tập thể dục gắng sức…
- Mất máu: Chấn thương nặng hoặc xuất huyết trong cơ thể.
- Nhiễm trùng nặng.
- Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng: Sốc phản vệ do thức ăn, một số loại thuốc, nọc côn trùng và cao su…
- Thiếu chất dinh dưỡng: Thiếu vitamin B-12, acid folic và sắt gây thiếu máu.
- Thuốc: Thuốc chẹn beta và nitroglycerin dùng trong điều trị bệnh tim, thuốc lợi tiểu,…
Ngoài ra, một số người có thể bị huyết áp thấp không rõ nguyên nhân, được gọi là huyết áp thấp nguyên phát.
Huyết áp thấp được chẩn đoán như thế nào?
Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh huyết áp thấp thông qua việc đo huyết áp của bạn. Việc đo huyết áp để chẩn đoán xác định cần được thực hiện nhiều lần trong một ngày tại những thời điểm khác nhau và tiến hành liên tục trong vài ngày liên tiếp.
Ngoài ra, để tìm ra nguyên nhân gây huyết áp thấp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cung cấp một số thông tin về bệnh sử, tình trạng sức khỏe gần đây, các triệu chứng biểu hiện, các loại thuốc bạn đang sử dụng và cho bạn làm một số xét nghiệm kiểm tra khác như:
- Xét nghiệm máu.
- Điện tâm đồ.
- Siêu âm tim.
- Siêu âm tim gắng sức.
- Nghiệm pháp bàn nghiêng.
Tầm quan trọng của điều trị huyết áp thấp
Huyết áp thấp là bệnh lý nguy hiểm và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém gì bệnh cao huyết áp.
Huyết áp thấp thường gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi,… và làm tăng nguy cơ chấn thương do té ngã.
Huyết áp quá thấp sẽ làm cho các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương, suy yếu, đặc biệt là tim, não do máu không đến đủ gây thiếu oxy và các chất dinh dưỡng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, tai biến mạch máu não…
Theo thống kê, có khoảng 30% số người tai biến mạch máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim có nguyên nhân do huyết áp thấp.
Do đó, việc điều trị kịp thời và kiểm soát tốt huyết áp ở mức ổn định là rất quan trọng nếu bạn hay người thân trong gia đình đang bị huyết áp thấp, đặc biệt là đối với những trường hợp tình trạng bệnh đã trở nặng.
Điều trị huyết áp thấp như thế nào?
Mục tiêu điều trị
Mục đích điều trị huyết áp thấp là nhanh chóng đưa trị số huyết áp trở về mức bình thường (120/80 mmHg) và duy trì bền vững để tránh tái phát.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần tích cực phòng ngừa cũng như điều trị kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.
Điều trị nguyên nhân
Huyết áp thấp thường không gây ra nhiều triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, việc xác định và khắc phục nguyên nhân cơ bản gây huyết áp thấp luôn được ưu tiên hàng đầu trong quá trình điều trị:
- Nếu nguyên nhân gây hạ huyết áp là do mất nước, bạn phải bù nước và điện giải bằng đường uống hoặc truyền dịch.
- Nếu bạn bị mất máu, thiếu máu, hãy xử lý vết thương, truyền dịch và bổ sung sắt, acid folic, vitamin B12,…
- Sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý tim mạch gây huyết áp thấp như nhịp tim chậm, hẹp/ hở van tim, bệnh mạch vành… để cải thiện tình trạng bệnh.
- Đổi loại thuốc đang sử dụng hoặc thay đổi liều lượng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp huyết áp thấp do tác dụng phụ của các thuốc bạn đang sử dụng.
Khi các nguyên nhân đã được xử trí thích hợp, huyết áp của bạn có thể được cải thiện đáng kể.
Điều trị huyết áp thấp bằng thuốc
Nếu tình trạng huyết áp thấp của bạn diễn biến nặng và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số loại thuốc điều trị huyết áp thấp dưới đây:
➤ Fludrocortisone
Fludrocortisone là thuốc được sử dụng để điều trị cho đa số các loại huyết áp thấp. Thuốc hoạt động bằng cách tác động lên thận gây tăng giữ muối và nước, từ đó làm tăng thể tích máu và làm tăng huyết áp của bạn.
Tuy nhiên, Fludrocortisone có thể gây ra một số tác dụng phụ như cao huyết áp, phù, suy tim…
➤ Midorine
Thuốc Midorine được sử dụng cho những người bị hạ huyết áp tư thế đứng mạn tính. Thuốc thường là phương pháp điều trị được lựa chọn khi các triệu chứng huyết áp thấp ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người bệnh, thậm chí là sau khi sử dụng các biện pháp điều trị khác.
Midorine có tác dụng điều trị huyết áp thấp nhờ tác động lên các thụ thể trên động mạch và tĩnh mạch, từ đó gây tăng áp lực ở các mạch máu và gây tăng huyết áp.
Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ mà bạn cần lưu ý: Tăng huyết áp, phản ứng dị ứng, ngứa ngáy ở da, đau đầu, khô miệng, lo lắng hoặc sợ hãi.
➤ Thuốc tiêm norepinephrine
Norepinephrine là thuốc điều trị huyết áp thấp dùng đường tiêm tĩnh mạch. Thuốc gây tác dụng bằng cách kích thích hệ thần kinh giao cảm gây co mạch máu, tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của tim từ đó gây tăng huyết áp một cách nhanh chóng.
Do vậy, thuốc thường được sử dụng trong những trường hợp tụt huyết áp nghiêm trọng có thể đe dọa tới tính mạng như sốc, do phẫu thuật hay trong cấp cứu hồi sức tim phổi (CPR).
Mặc dù là hiếm gặp, nhưng bạn có thể gặp một số tác dụng phụ khi dùng thuốc norepinephrine dưới đây:
- Dị ứng: sưng mặt, môi, lưỡi hay họng.
- Đau, rát, kích ứng, thay đổi màu da ở vùng tiêm thuốc.
- Nhịp tim chậm hoặc không đều.
- Vã mồ hôi, tái nhợt.
- Tiểu khó hoặc tiểu ít.
- Huyết áp tăng cao (nhức đầu, mờ mắt, ù tai, lo lắng, hoang mang, đau ngực, khó thở, tim đập không đều, co giật).
➤ Heptaminol (Heptamyl):
Heptaminol là thuốc điều trị huyết áp thấp có tác dụng gây co mạch, bảo vệ mạch máu, giúp tăng lượng máu về tim và tăng huyết áp.
Thuốc thường được sử dụng trong điều trị triệu chứng do hạ huyết áp tư thế.
Một số tác dụng phụ khi sử dụng Heptamyl có thể kể đến như buồn nôn, đau dạ dày, phát ban, tim đập nhanh, hồi hộp, đau ngực.
➤ Ephedrine
Ephedrine được dùng trong điều trị triệu chứng huyết áp thấp do có tác dụng gây co mạch và tăng cường lưu thông máu, từ đó làm tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi gây tăng huyết áp.
Ephedrine có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó tiểu tiện, mất ngủ vào ban đêm, lo lắng, bất an, bồn chồn, lú lẫn do thuốc có tác động kích thích hệ thần kinh trung ương.
➤ Bioton
Bioton là thuốc được dùng cho người huyết áp thấp nhằm chống suy nhược cơ thể, tăng cường thể lực và trí lực.
Lưu ý khi sử dụng các loại thuốc điều trị hạ huyết áp:
Để sử dụng thuốc an toàn, tránh các tác dụng không mong muốn và đạt kết quả tối ưu, khi sử dụng thuốc điều trị huyết áp thấp, bạn cần lưu ý những điều sau:
✔ Cung cấp đầy đủ thông tin: Để tránh tính tương tác của thuốc, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị huyết áp thấp nào, bạn cần báo cho bác sĩ các thông tin:
- Tình trạng sức khỏe của bạn, các trạng thái đặc biệt của cơ thể (đang mang thai, cho con bú…), các bệnh mắc kèm.
- Các loại thuốc bạn đang sử dụng, bao gồm cả các loại vitamin và các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng.
- Tiền sử dị ứng của bạn.
✔ Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ: Bạn chỉ được dùng thuốc khi có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc.
✔ Nghiêm túc tuân thủ điều trị: Sử dụng thuốc đúng giờ và đều đặn mỗi ngày. Không được tự ý tăng liều, giảm liều hay ngưng dùng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
✔ Chú ý đến tác dụng phụ của mỗi loại thuốc điều trị huyết áp thấp: Nếu bạn nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy đến ngay cơ sở y tế và thông báo cho bác sĩ điều trị để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tập luyện và thay đổi lối sống
Để việc điều trị huyết áp thấp đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần kết hợp việc dùng thuốc với thực hiện lối sống và tập luyện khoa học:
➤ Chế độ dinh dưỡng
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi và thực phẩm giàu protein như thịt, sữa, trứng…
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày: 5 – 6 bữa/ngày.
- Tăng lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày của bạn.
- Uống nhiều nước hơn: 7 – 8 ly nước mỗi ngày.
- Tránh dùng các loại đồ uống có cồn như rượu bia.
➤ Chế độ sinh hoạt
- Người bệnh huyết áp thấp cần ngủ đủ giấc, khoảng 7 – 8 tiếng/ ngày.
- Kê cao đầu trong khi ngủ.
- Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột gây tụt huyết áp.
- Tránh căng thẳng, stress.
- Tập luyện thể dục vừa sức, thường xuyên, đều đặn mỗi ngày.
➤ Theo dõi và thăm khám định kỳ
Người bệnh huyết áp thấp cần theo dõi huyết áp đều đặn hàng ngày để kiểm soát tốt diễn biến bệnh. Bạn có thể sử dụng máy đo huyết áp cá nhân để đo huyết áp tại nhà, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần đến cơ sở y tế thăm khám sức khỏe định kỳ để điều chỉnh cách điều trị phù hợp, theo dõi các biến chứng và kịp thời xử trí các bất thường có thể xảy ra.
Điều trị huyết áp thấp không quá khó nếu bạn hiểu rõ về các phương pháp cũng như lưu ý trong quá trình điều trị. Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích để bảo vệ tốt sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/low-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20355470
- https://www.uspharmacist.com/article/hypotension-a-clinical-care-review
- https://www.healthline.com/health/how-to-raise-blood-pressure#the-takeaway