Nói đến các bệnh về huyết áp thường thì mọi người ai cũng nghĩ ngay đến cao huyết áp mà không hề biết rằng huyết áp thấp cũng là một chứng bệnh nguy hiểm mà nhiều người mắc phải. Vậy huyết áp thấp là gì? bạn đã biết gì về chứng bệnh này? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về chứng bệnh này qua các thông tin dưới đây nhé.
Mục lục
- Huyết áp là gì?
- Thế nào là huyết áp thấp
- Những dấu hiệu và triệu chứng của huyết áp thấp
- Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp
- Những yếu tố nguy cơ gây huyết áp thấp
- Các xét nghiệm và chẩn đoán huyết áp thấp
- Điều trị huyết áp thấp
- Phương pháp phòng ngừa huyết áp thấp
- Những rủi ro và biến chứng khi bị huyết áp thấp
- Những thực phẩm nên ăn khi bị huyết áp thấp
- Những thực phẩm nên hạn chế khi bị huyết áp thấp
Huyết áp là gì?
Huyết áp là lực tác động của máu lên thành mạch khi đang lưu thông đến các mô trong cơ thể, huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim với sức cản của động mạch. Huyết áp là một trong những dấu hiệu cho biết cơ thể còn sống hay đã chết.
Huyết áp bao gồm hai loại là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực của máu tác động lên thành mạch khi tim co bóp bơm máu đi nuôi cơ thể còn huyết áp tâm trương là áp lực máu lên thành mạch giữa 2 lần co bóp của tim.
Thế nào là huyết áp thấp
Ở người trưởng thành thì chỉ số huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương là 120/80 mmHg được cho là huyết áp bình thường, còn thấp hơn mực này thì gọi là huyết áp thấp.
Người bị huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp ở mức 90/60 mmHg hoặc thấp hơn. Nghĩa là nếu chỉ số trên (huyết áp tâm thu) là 90 hoặc ít hơn (bất kể chỉ số dưới) hoặc chỉ số dưới (huyết áp tâm trương) là 60 hoặc ít hơn (bất kể chỉ số trên) thì được coi là huyết áp thấp.
Huyết áp thấp bình thường không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống tuy nhiên chứng bệnh này có thể gây ra một số tình trạng nguy hiểm cho tim khiến người bệnh bị ngất, choáng váng, dẫn đến một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh, tuyến nội tiết
Những dấu hiệu và triệu chứng của huyết áp thấp
Khi huyết áp thấp, áp lực máu giảm khiến máu không thể lưu thông đến các cơ quan của cơ thể dẫn đến tình trạng các cơ quan không hoạt động không đúng, có thể bị tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn. Các triệu chứng của huyết áp thấp gây ra bởi các điều kiện hoặc nguyên nhân gây bệnh, chẳng hạn nếu máu không đủ cung cấp cho não khiến các tế bào não không nhận đủ oxy và dinh dưỡng khiến người bệnh cảm thấy lâng lâng, chóng mặt thậm chí là ngất xỉu.
Những triệu chứng phổ biến của huyết áp thấp thường thấy là:
- Hoa mắt
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Buồn nôn
- Mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu tập trung
Hạ huyết áp nặng có thể dẫn đến các tình trạng đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo tình trạng này bao gồm:
- Lú lẫn, đặc biệt hay gặp ở người lớn tuổi
- Tay chân lạnh. da nhợt nhạt
- Thở nhanh, gấp
- Mạch yếu và nhanh
Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp
Các yếu tố làm giảm thể tích máu hoặc làm giảm cung lượng tim và thuốc là những lý do dẫn đến huyết áp thấp, bao gồm:
- Mất nước, mất máu: Mất nước hoặc mất máu khiến thể tích máu trong lòng mạch giảm gây hạ huyết áp. Một số trường hợp khiến cơ thể bị mất nước chẳng hạn như: không uống đủ nước, bị tiêu chảy nặng hoặc nôn mửa nhiều, đổ mồ hôi nhiều…
- Tim co bóp yếu, không đủ lực để đẩy đầy đủ máu vào động mạch dẫn đến huyết áp thấp
- Hệ thần kinh hoặc một số hooc môn trong cơ thể có nhiệm vụ kiểm soát mạch máu hoạt động không bình thường gây hạ huyết áp
- Mang thai, đặc biệt là ở hai tháng đầu thai kỳ, các hooc môn trong cơ thể thay đổi dễ dẫn đến huyết áp thấp
- Kiệt sức do nhiệt hoặc cảm nhiệt làm giảm huyết áp gây nên hiện tượng choáng váng, ngất xỉu
- Gặp các vấn đề về nội tiết như tuyến giáp hoạt động không bình thường, tiểu đường, hạ đường huyết…
- Sử dụng một số loại thuốc không cần kê toa hoặc các loại thuốc kê toa như thuốc trị cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm, Parkinson
Ngoài ra ở một số người bệnh, huyết áp thấp xuất hiện có thể liên quan đến một số vấn đề khác như:
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh Parkinson
- Suy tim hoặc rối loạn nhịp tim
- Bệnh gan
- Phì đại hoặc giãn nở các mạch máu
Nhiều trường hợp những người không bị mắc các vấn đề trên thì cũng có thể bị huyết áp thấp. Người lớn tuổi có nguy cơ mắc huyết áp thấp cao hơn người trẻ và tình trạng huyết áp thấp cũng rất phổ biến ở phụ nữ mang thai. Trong một số trường hợp, huyết áp có thể giảm đột ngột và nguyên nhân có thể do:
- Mất máu do xuất huyết
- Các bệnh về cơ tim gây suy tim
- Phản ứng với rượu hoặc các loại thuốc
- Mất nước nghiêm trọng do nôn mửa, tiêu chảy, sốt
- Bị nhiễm nấm hoặc nhiễm trùng máu nặng
- Bị phản ứng dị ứng trầm trọng
- Nhiệt độ cơ thể cao hoặc thấp bất thường
Những yếu tố nguy cơ gây huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể xảy ra ở bất cứ ai, tuy nhiên nếu nằm trong số các yếu tố nguy cơ sau thì khả năng bị mắc chứng bệnh này sẽ cao hơn:
Yếu tố tuổi tác: Hạ huyết áp tư thế thường gặp nhiều ở những người từ 65 tuổi trở nên vì khi cơ thể già đi thì huyết áp cũng sẽ phản ứng chậm hơn với các thay đổi của cơ thể. Hạ huyết áp trung ương xảy ra do lỗi tín hiệu giữa não và tim, nó chủ yếu ảnh hưởng ở trẻ em và người lớn tuổi
Thuốc: Những người dùng thuốc nhất định như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn alpha có nguy cơ bị huyết áp thấp. Và điều này đặc biệt đúng với những người già ở độ tuổi trên 80
Các yếu tố bệnh tật: Bệnh về tim mạch, tiểu đường, parkinson được đặt vào nguy cơ gây huyết áp thấp
Các xét nghiệm và chẩn đoán huyết áp thấp
Việc kiểm tra huyết áp thấp là tìm ra nguyên nhân cơ bản gây bệnh từ đó xác định được các vấn đề về tim, não hay hệ thần kinh có thể gây ra huyết áp thấp hơn bình thường. Để có được các chẩn đoán chính xác các bác sĩ sẽ đề nghị một hoặc một số các xét nghiệm sau:
Kiểm tra huyết áp bằng cách đo: huyết áp được đo trên cánh tay, nếu chỉ số huyết áp từ 90/60 mmHg trở xuống thì được chẩn đoán là huyết áp thấp
Xét nghiệm máu: Việc xét nghiệm máu sẽ cung cấp các thông tin về sức khỏe tổng thể chẳng hạn như lượng đường trong máu tăng hay giảm, lượng hồng cầu nhiều hay ít… những yếu tố này đều có thể gây nên huyết áp thấp
Điện tâm đồ (ECG): Thử nghiệm này cung cấp các thông tin về nhịp tim, cấu trúc tim có bất thường gây ảnh hưởng đến việc cung cấp máu và oxy cho cơ tim
Siêu âm tim: Siêu âm tim cho thấy hình ảnh chi tiết và cấu trúc của tim từ đó tìm ra các bất thường là nguyên nhân gây nên huyết áp thấp
Thử nghiệm gắng sức: Một số vấn đề về tim có thể gây nên huyết áp thấp khi làm việc trong trạng thái gắng sức. Thử nghiệm này kết hợp với việc theo dõi huyết áp, đo điện tim hoặc siêu âm tim để xem xét các vấn đề thay đổi
Thử nghiệm Valsalva: thử nghiệm này kiểm tra chức năng của hệ thần kinh tự trị bằng các phân tích nhịp tim và huyết áp sai một số chu kỳ hít thở sâu
Thử nghiệm bàn nghiêng: nếu có huyết áp thấp thế đứng hoặc các tín hiệu não bị lỗi thì thử nghiệm này giúp đánh giá huyết áp cơ thể thay đổi khi thay đổi vị trí từ đó xem xét các vấn đề về hạ huyết áp tư thế…
Điều trị huyết áp thấp
Nếu huyết áp thấp không gây ra các dấu hiệu hay triệu chứng nặng nào mà chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ thoáng qua thì ít khi phải điều trị.
Còn huyết áp thấp được gây ra bởi các loại thuốc đang uống thì các bác sĩ sẽ giảm liều lượng thuốc hoặc chuyển qua loại thuốc khác.
Nếu có các triệu chứng nặng thì các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và cố gắng điều trị các nguyên nhân gây nên triệu chứng này
Ngoài ra, tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, kiểu huyết áp thấp mà chúng ta có thể thực hiện một số phương pháp sau:
- Tăng lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày. Việc này cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng vì nếu tăng quá nhiều làm lượng natri dư thừa gây suy tim
- Uống nhiều nước hơn nhằm tăng thể tích máu và chống mất nước
- Mang tất nén giúp làm giảm các cơn đau và giãn tĩnh mạch đồng thời giảm ứ trệ máu ở chân
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị huyết áp thấp thế đứng
Phương pháp phòng ngừa huyết áp thấp
Một số thói quen sinh hoạt cũng giúp hạn chế, phòng ngừa được huyết áp thấp, các bạn có thể tham khảo:
- Cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ chất dinh dưỡng và nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày giúp giảm nguy cơ bị huyết áp thấp
- Đứng dậy chậm để cho cơ thể có thời gian thích ứng, điều này đặc biệt quan trọng khi bạn thức dậy vào buổi sáng.
- Không nên chạy hoặc leo núi hoặc làm bất cứ hoạt động nào tiêu hao nhiều năng lượng trong thời tiết nắng nóng, những hoạt động này có thể gây hạ huyết áp thế đứng
- Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, đặc biệt là trong thời tiết nóng
- Kê cao đầu khi ngủ cũng giúp hạn chế tụt huyết áp
- Không nên uống nhiều rượu vì rượu gây giảm thể tích máu dẫn đến hạ huyết áp
- Mang tất ép giúp giảm tình trạng máu ứ trệ ở chân
Những rủi ro và biến chứng khi bị huyết áp thấp
Huyết áp thấp gây yếu, chóng mặt, ngất dẫn đến nguy cơ chấn thương do té ngã. Huyết áp thấp nghiêm trọng gây thiếu oxy cung cấp cho các tế bào gây ảnh hưởng nặng nề đến tim và não.
Những thực phẩm nên ăn khi bị huyết áp thấp
- Nho khô: Nho khô hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận giúp duy trị huyết áp ổn định.
- Hạnh nhân: Hạn nhân giúp phòng ngừa hạ huyết áp ở những người huyết áp thấp
- Muối chứa sodium: Muối chứa sodium có tác dụng làm tăng huyết áp, tuy nhiên cần được sử dụng theo hướng dẫn của chuyên gia hoặc bác sĩ
- Nước lọc: Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể giúp thể tích máu ổn định, hạn chế hạ huyết áp
Những thực phẩm nên hạn chế khi bị huyết áp thấp
- Cà chua: Cà chua có tác dụng làm giảm huyết áp như vậy sẽ làm huyết áp của bạn thấp hơn
- Táo mèo
- Hạt dẻ nướng
- Thực phẩm có tính lạnh như rau bina, dưa hấu, đậu đỏ, đậu xanh
- Bia rượu, các thức uống chứa cồn
Huyết áp thấp là chứng bệnh gây ra nhiều nguy cơ và rủi ro nguy hiểm, trên đây là những thông tin chi tiết về chứng bệnh này, hi vọng những thông tin này sẽ giúp bạn chăm sóc tốt sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Tài liệu tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/159609.php
https://www.medicinenet.com/low_blood_pressure/article.htm
https://www.wikihow.com/Prevent-Low-Blood-Pressure