Huyết áp là một trong những thông số cơ bản thể hiện chức năng hoạt động của hệ tuần hoàn. Huyết áp nằm ngoài phạm vi bình thường sẽ làm gia tăng nguy cơ tim mạch và gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh. Vậy huyết áp bình thường ở người khỏe mạnh là bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên.
Mục lục
Ý nghĩa của số đo huyết áp
Huyết áp là áp lực cần thiết của dòng máu tác động lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng tim và toàn bộ các mô, cơ quan trong cơ thể.
Huyết áp được xác định nhờ máy đo huyết áp. Kết quả đo huyết áp của bạn sẽ được biểu thị dưới dạng hai con số:
- Số đứng trước (thường có giá trị lớn hơn) là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim đập, được gọi là huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu).
- Số đứng sau (thường có giá trị nhỏ hơn) là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch giữa hai nhịp đập của tim, gọi là huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương).
Chỉ số huyết áp bình thường ở người khỏe mạnh là bao nhiêu?
Huyết áp bình thường là số đo huyết áp vừa phải, không quá cao hay quá thấp.
Mức huyết áp bình thường cho thấy sự lưu thông máu và tốc độ bơm máu trong cơ thể đang diễn ra ổn định. Đây cũng là cơ sở để bác sĩ đánh giá sức khỏe của bạn có tốt hay không, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch Châu Âu/ Hiệp hội Tăng huyết áp Châu Âu (ESC/ESH), huyết áp của bạn được coi là bình thường khi nằm trong phạm vi sau:
- Huyết áp tối đa (Huyết áp tâm thu): Từ 90 mmHg đến 129 mmHg.
- Huyết áp tối thiểu (Huyết áp tâm trương): Từ 60 mmHg đến 84 mmHg.
Bên cạnh đó, để đánh giá huyết áp có bình thường hay không, người ta còn dựa vào hiệu số giữa chỉ số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu. Hiệu số này không được bằng hoặc dưới 20 mmHg. Nếu sự chênh lệch giữa hai chỉ số ở dưới khoảng này có thể coi là “huyết áp kẹt” và đây là bệnh lý nguy hiểm cần được chú ý.
Chỉ số huyết áp lý tưởng theo từng độ tuổi
Tùy vào mỗi độ tuổi, giai đoạn phát triển và trưởng thành, mức chỉ số huyết áp an toàn lại thay đổi khác nhau.
Do đó, bạn cần nắm rõ mức huyết áp bình thường theo từng độ tuổi để đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình mình.
Đối với trẻ em
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng Đại học Iowa Stead, mức huyết áp tối ưu đối với trẻ em ở mỗi lứa tuổi khác nhau được quy định như sau:
- Trẻ dưới 1 tháng tuổi: Huyết áp tối đa từ 60 – 90 mmHg, huyết áp tối thiểu từ 20 – 60 mmHg.
- Trẻ từ 1 – 12 tháng tuổi: Huyết áp tối đa từ 87 – 105 mmHg, huyết áp tối thiểu từ 53 – 66 mmHg.
- Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Huyết áp tối đa từ 95 – 105 mmHg, huyết áp tối thiểu từ 53 – 66 mmHg.
- Trẻ từ 3 – 5 tuổi: Huyết áp tối đa từ 95 – 110 mmHg, huyết áp tối thiểu từ 56 – 70 mmHg.
- Trẻ từ 6 – 12 tuổi: Huyết áp tối đa từ 97 – 112 mmHg, huyết áp tối thiểu từ 57 – 71 mmHg.
- Trẻ từ 12 – 15 tuổi: Huyết áp tối đa từ 112 – 128 mmHg, huyết áp tối thiểu từ 66 – 80 mmHg.
Đối với người trưởng thành
Theo hội Tim mạch Châu Âu (ESC), mức huyết áp tối ưu đối với người trưởng thành được quy định là huyết áp tối đa nhỏ hơn 120 mmHg và huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 80 mmHg.
Để đánh giá chính xác huyết áp của bạn có nằm trong ngưỡng an toàn hay không, khi tiến hành đo huyết áp. bạn cần chú ý đến một số yêu cầu như nghỉ ngơi trước khi đo huyết áp ít nhất 5 – 10 phút, tránh dùng các chất kích thích trước khi đo, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng trong quá trình đo.
Ngoài ra, tư thế đo, dụng cụ đo cũng ảnh hưởng đáng kể đến độ chính xác của phép đo huyết áp. Bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn từ những người có chuyên môn trước khi tự theo dõi huyết áp tại nhà để tránh mắc các sai số khi kiểm tra huyết áp.
Huyết áp bao nhiêu cần đi khám bác sĩ?
So với mức huyết áp bình thường, nếu huyết áp của bạn giảm thấp xuống dưới 90/60 mmHg thì được coi là huyết áp thấp. Ngược lại, huyết áp cao là khi chỉ số huyết áp của bạn từ 140/90 mmHg trở lên.
Theo các chuyên gia tim mạch, dù là huyết áp cao hay huyết áp thấp đều rất nguy hiểm. Huyết áp không được kiểm soát, tăng giảm bất thường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề cho sức khỏe, gây tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như suy tim, phì đại thất trái, đột quỵ,… thậm chí dẫn đến tử vong.
Do đó, nếu kết quả đo huyết áp của bạn nằm ngoài phạm vi bình thường (cao hơn 130/85 mmHg hay thấp hơn 90/60 mmHg), bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác các bệnh lý huyết áp (nếu có) và được hướng dẫn các biện pháp điều trị thích hợp.
Đặc biệt, trong các trường hợp khẩn cấp như huyết áp tăng rất cao (trên 180/120mmHg) hoặc hạ huyết áp quá mức kèm theo các biểu hiện của sốc như lú lẫn (đặc biệt là người lớn tuổi), da lạnh, nhợt nhạt, thở nhanh, mạch yếu và nhanh,.. bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay cả khi huyết áp của bạn nằm trong phạm vi bình thường, bạn cũng nên thăm khám huyết áp ít nhất mỗi năm một lần để quản lý huyết áp của mình một cách tốt nhất.
Các yếu tố tác động tới chỉ số huyết áp
Huyết áp có sự thay đổi theo từng độ tuổi. Huyết áp càng rời xa các động mạch chủ thì càng giảm dần. Huyết áp đạt mức thấp nhất khi ở trong hệ tĩnh mạch. Chỉ số huyết áp sẽ có sự thay đổi phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Khi chúng ta vận động mạnh hay sau khi tập thể dục, nhịp tim đập nhanh hơn khiến cho chỉ số huyết áp có thể dâng cao. Trong một số trường hợp có thể gây huyết áp cao. Ngược lại, khi tim đập chậm lại, lực cơ tim nhẹ thì huyết áp có thể bị giảm xuống.
- Khi con người già đi, thành mạch máu mất đi sự đàn hồi hay lòng mạch hẹp lại tạo nên sức cản của mạch máu cũng là yếu tố làm thay đổi chỉ số huyết áp.
- Khi cơ thể bị thương, mất nhiều máu cũng khiến cho huyết áp giảm đi.
- Ăn uống các thức ăn quá mặn trong một thời gian dài khiến cho tăng thể tích máu. Đây cũng là nguyên do dẫn đến bệnh cao huyết áp.
- Tình trạng tâm lý thiếu ổn định như lo lắng, kích động mạnh cũng là những yếu tố khiến huyết áp có thể bị thay đổi.
Phương pháp giữ cho chỉ số huyết áp ổn định
Tỷ lệ mắc các bệnh lý huyết áp (tăng huyết áp hay huyết áp thấp) hiện đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày cho những người mắc phải. Chính vì vậy, giữ cho bản thân có mức huyết áp ở mức bình thường là điều cần thiết.
Dưới đây là một số biện pháp thay đổi lối sống để phòng ngừa các bệnh lý về huyết áp được bác sĩ gợi ý:
1. Thực hiện chế ăn ăn uống khoa học
Thực đơn ăn uống có một tác động không nhỏ tới sự ổn định của huyết áp. Một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý sẽ giúp cơ thể bạn duy trì được mức cân nặng phù hợp, tránh xa các căn bệnh như béo phì.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho hệ tim mạch: Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, sữa ít béo, thực phẩm giàu kali, hạn chế thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn,… Bạn không nên ăn các thức ăn có độ mặn cao.
2. Luyện tập thể dục thường xuyên
Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học thì việc tăng cường các hoạt động thể chất là điều vô cùng cần thiết để giữ cho huyết áp bình thường. Thường xuyên luyện tập thể dục sẽ giúp điều hòa huyết áp, kiểm soát cân nặng, tăng cường lưu thông máu và giảm nguy cơ tim mạch. Bạn nên lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, đạp xe, thể dục nhịp điệu,… và duy trì đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Bạn nên thường xuyên luyện tập thể dục, hạn chế việc thức khuya, hút thuốc. Áp dụng những điều này không chỉ giúp cho bạn có được một cơ thể khỏe mạnh mà còn giữ được tinh thần luôn thoải mái, tươi vui và yêu đời. Đây chính là những yếu tố cần thiết để giữ được huyết áp ở mức tốt nhất.
3. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ
Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần là điều bạn nên thực hiện. Thăm khám định kỳ không chỉ giúp bạn có thể sớm phát hiện các căn bệnh cơ thể có khả năng gặp phải mà còn giúp bạn phòng chống được chúng. Việc đo huyết áp định kỳ giúp bạn sớm phát hiện được những sự thay đổi bất thường như huyết áp thấp hay cao. Từ đó có được cho mình phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả.
4. Thực hiện các thói quen tốt cho sức khỏe tim mạch
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì.
- Từ bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe tim mạch như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.
- Điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi: Giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, stress, nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc (7 – 8 tiếng mỗi ngày).
- Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà để có thể kịp thời phát hiện các trường hợp huyết áp không ổn định.
Chỉ số huyết áp bình thường là cơ sở đánh giá tình trạng huyết áp của bạn đang ở mức độ nào để có sự điều chỉnh kịp thời nếu cần. Nếu huyết áp của bạn đang ở phạm vi bình thường, bạn nên tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh hiện tại. Đối với trường hợp huyết áp đang có dấu hiệu bất ổn, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để nhận được những tư vấn điều trị hữu ích nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.verywellhealth.com/average-blood-pressure-by-age-5085328
- https://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/07/huong_dan_chan_doan_dieu_tri_tha.pdf
- https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/diastolic-and-systolic-blood-pressure-know-your-numbers#3