Sâu răng là vấn đề răng miệng phổ biến, có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã tìm ra mối liên quan giữa sâu răng và đột quỵ. Điều này dẫn đến sự lo lắng ở nhiều đối tượng, nhất là người cao tuổi đang có nhiều yếu tố nguy cơ gây đột qụy. Vậy thực hư là như thế nào, có phải sâu răng làm tăng đột qụy hay không? Chúng ta hãy tìm câu trả lời thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Có phải sâu răng làm tăng nguy cơ đột qụy không?
Trước đây, đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm mối liên hệ giữa bệnh nướu và đột quỵ nhưng lại có rất ít dữ liệu giữa sâu răng và bệnh lý này. Cho đến năm 2021, Tiến sĩ Souvik Sen và cộng sự tại Đại học Nam Carolina đã công bố mối quan hệ giữa bệnh sâu răng và đột quỵ sau 30 năm theo dõi (1).
Dữ liệu được tổng hợp từ 6.506 người không bị đột quỵ. Trong 15 năm đầu, nhà nghiên cứu thấy rằng những người sâu răng làm tăng nguy cơ chảy máu não – một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. 15 năm tiếp theo, ở những người sâu răng có nguy cơ đột quỵ do chảy máu não cao gấp 4,5 lần những người không bị sâu răng.
Xuất huyết não gây đột quỵ chỉ chiếm 10 – 20% tất cả các trường hợp đột quỵ nhưng tình trạng này nguy hiểm hơn nhiều so với đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đột quỵ thuộc nhóm 10 nguyên nhân gây tử vong trên thế giới. Hiện nay có nhiều giải pháp để giúp người bệnh giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ nhưng do chảy máu trong não lại rất hạn chế.
Để tìm ra nguyên nhân của mối nguy cơ này, nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra các bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp tính. Trong số những người bị đột quỵ do xuất huyết não, xét nghiệm thấy 26% người có kết quả dương tính với vi khuẩn S. mutans trong nước bọt (vi khuẩn hàng đầu gây sâu răng).
2. Dấu hiệu nhận biết sâu răng và đột quỵ
Để ngăn ngừa những biến chứng của bệnh sâu răng như đột quỵ, chúng ta cần biết những triệu chứng sớm của hai bệnh giúp xây dựng phương pháp điều trị sớm:
2.1. Sâu răng
Sâu răng là một trong những bệnh lý răng miệng có nhiễm khuẩn phổ biến nhất trên thế giới. Vi khuẩn phá hủy phần khoáng trong cấu trúc của răng, dẫn đến răng bị mềm đi, sụp xuống tạo thành các lỗ sâu.
Sâu răng do nhiều yếu tố gây ra, trong đó vi khuẩn là nguyên nhân chính (thường do Streptococcus mutans). Những điều kiện thuận lợi như vệ sinh răng miệng không đúng cách, chế độ ăn uống nhiều carbohydrat, nước uống có nồng độ flouride thấp, mắc bệnh tiểu đường hay trào ngược dạ dày – thực quản…
Sâu răng chia thành nhiều mức độ khác nhau với các đặc trưng. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng dưới đây:
- Đau răng nhẹ khi nhai.
- Răng nhạy cảm với thức ăn nóng và lạnh.
- Khi ăn những thực phẩm ngọt, chua, cay thấy răng bị ê buốt, hơi thở có mùi hôi…
- Nặng thấy xuất hiện các đốm đen trên răng, có lỗ thủng, đau nhức phát sốt, lan rộng sang hàm, vỡ thân răng…
2.2. Đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương do dòng máu cung cấp đến não bị gián đoạn hoặc mạch máu bị vỡ gây xuất huyết ồ ạt.
Trước đột quỵ, hầu hết người bệnh không thấy có triệu chứng rõ ràng nào, đến khi khởi phát nó mới xuất hiện các biểu hiện rõ ràng như:
- Tê hoặc yếu cơ, nhất là chỉ thấy ở một bên cơ thể.
- Suy giảm thị lực ở một hoặc 2 bên mắt.
- Đau nhức đầu nghiêm trọng không rõ nguyên nhân.
- Khó nói, lưỡi bị tê cứng, chóng mặt, khó cử động, đi lại khó khăn…
Những người sống sót sau đột quỵ đều để lại ít nhiều di chứng như một bên cơ thể yếu đi, tê liệt, rối loạn cảm xúc, khó nói chuyện… Vì vậy, việc giảm thiểu tối đa nguy cơ gây đột quỵ là điều vô cùng cần thiết.
3. Điều trị sâu răng ngăn ngừa đột quỵ
Để ngăn ngừa đột quỵ, bạn cần phải điều trị sâu răng dứt điểm.
Đầu tiên, bạn cần chụp X-quang xem xét các tổn thương răng đã ảnh hưởng tới đâu. Tùy theo mức độ sâu răng mà nha sĩ sẽ có biện pháp khắc phục hiệu quả.
– Mức độ nhẹ: Sâu răng đang ở giai đoạn sớm, chưa gây tổn thương tủy, bác sĩ nha khoa sẽ vệ sinh răng, tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng bằng laser. Sau đó dùng flour có độ tập trung cao (dạng dung dịch, gel, vecni), khoáng chất (như canxi, phospho) ở dạng gel đắp lên bề mặt răng để tăng cường tái khoáng. Đồng thời, nó giúp ngăn chặn sự phá hủy khoáng và phục hồi các tổn thương trên năng dần dần.
Nếu răng ở mức độ nặng hơn có xuất hiện các lỗ thủng trên răng nhưng chưa có mủ, bạn có thể cần trám lại bằng vật liệu composite để ngăn ngừa nhiễm trùng răng tái phát.
– Mức độ trung bình: Sâu răng xuất hiện mủ và tác động đến phần tủy gây viêm nhiễm. Bác sĩ sẽ tiến hành khoan bề mặt răng, sử dụng thuốc diệt vi khuẩn như doxycycline, amoxiciclin và phenoxymethylpenicillin, spiramycin và erythromycin… Sau đó, bạn sẽ được rút hết dịch tủy, lấy vật liệu trám lại để khôi phục kết cấu răng đã mất. Nếu cần có thể phải tiến hành bọc sứ để đảm bảo chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ cho răng.
– Mức độ nặng: Khi sâu răng tạo thành ổ nhiễm trùng lớn làm chân răng bị tổn thương gây lung lay, không còn bảo tồn răng được nữa, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định nhổ răng để ngăn chặn viêm gây ảnh hưởng tới mô nướu hay làm lây lan vi khuẩn sâu răng sang khu vực lân cận. Nha sĩ sẽ trích dẫn lưu mổ, làm sạch ổ nhiễm trùng, tiêm thuốc tê và nhổ răng. Sau đó, bệnh nhân có thể cần uống thuốc để kiểm soát cơn đau và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Như vậy, việc khắc phục sâu răng dễ hơn rất nhiều ở mức độ nhẹ, do đó khi thấy răng có các dấu hiệu sớm như đường đen trên răng, đau khi ăn thức ăn quá nóng hoặc lạnh… bạn nên đi thăm khám ngay. Tránh để đau rồi mới đi kiểm tra, lúc này bạn phải cần thực hiện những biện pháp nặng hơn như diệt tủy, chụp sứ, thậm chí là nhổ răng.
3. Ngăn ngừa sâu răng như thế nào?
Sau khi điều trị khỏi sâu, lúc này răng miệng rất nhạy cảm và dễ mắc bệnh viêm trở lại. Do đó, việc chăm sóc đúng cách, ngăn ngừa sâu răng là điều nên làm.
– Chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh:
- Vi khuẩn sử dụng đường để tạo năng lượng sinh sôi, phát triển và sản sinh acid lactic gây mất chất khoáng dẫn đến sâu răng. Vì vậy, việc giảm lượng thức ăn và đồ uống chứa đường sẽ giúp ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.
- Uống nước lọc thay vì sử dụng nước ngọt, nước trái cây có cho đường nhân tạo.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất khoáng và vitamin nuôi dưỡng sức khỏe răng miệng.
– Chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng:
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày để vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại. Bởi chải răng không giúp loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, đường và acid tích tụ do đó bạn nên kết hợp dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng giúp làm sạch hiệu quả hơn.
- Sử dụng kem đánh răng có chứa florua để bảo vệ răng và chống lại acid gây hại cho răng.
- Nước bọt là một trong những dung dịch tự nhiên để bảo vệ răng bằng cách cuốn trôi đường vào dạ dày, ngăn chặn sự gây hại của acid. Bạn có thể nhai keo cao su không đường sau bữa ăn để tăng tiết nước bọt.
- Uống đủ nước 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày cũng góp phần làm sạch răng miệng.
– Thăm khám bác sĩ định kỳ: Việc định kỳ kiểm tra sức khỏe răng miệng là một việc nên làm để phát hiện sớm những dấu hiệu sâu răng. Từ đó có phương pháp điều trị nhanh chóng giúp hạn chế tình trạng nặng phải nhổ răng.
Như vậy, sâu răng là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Khi thấy những dấu hiệu của việc sâu răng nên đi thăm khám bác sĩ sớm để được khắc phục tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo: https://www.heart.org/en/news/2021/03/19/how-oral-health-may-affect-your-heart-brain-and-risk-of-death