Sử dụng thuốc cao huyết áp là một trong những phương pháp điều trị quan trọng đối với người mắc phải bệnh lý huyết áp cao. Vì vậy, việc hiểu rõ về các nhóm thuốc này rất cần thiết để giúp bạn sử dụng thuốc an toàn và đạt hiệu quả mong muốn.
Mục lục
Tại sao cần sử dụng thuốc cao huyết áp?
Tăng huyết áp được xác định khi chỉ số huyết áp tối đa lớn hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu lớn hơn 90 mmHg.
Tăng huyết áp là bệnh lý rất nguy hiểm và được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó thường không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi gây ra những biến chứng nguy hiểm như: tổn thương mạch máu, đau tim, suy tim, đột quỵ, suy thận,… Các biến chứng này có thể cướp đi mạng sống của người bệnh một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc cao huyết áp là rất quan trọng và cần thiết đối với người bệnh huyết áp cao. Thuốc giúp duy trì huyết áp ổn định, tránh được các cơn tăng huyết áp đột ngột, từ đó giúp phòng ngừa lâu dài các biến chứng cũng như hạn chế tối đa tiến triển của bệnh trên những bệnh nhân đã xảy ra biến chứng.
Khi nào cần dùng thuốc cao huyết áp?
Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam/ Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam (VNHA/VSH) năm 2018, việc điều trị tăng huyết áp bằng thuốc cần bắt đầu trong các trường hợp sau:
Đối với người có huyết áp bình thường cao (Huyết áp tối đa 130 – 139 mmHg và/ hoặc huyết áp tối thiểu 85 – 89 mmHg): Cần xem xét điều trị bằng thuốc ở người bệnh nguy cơ rất cao có bệnh tim mạch (đặc biệt là bệnh mạch vành).
Đối với người bệnh tăng huyết áp độ 1 (Huyết áp tối đa 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu 90 – 99 mmHg):
- Dùng thuốc ngay khi nguy cơ tim mạch cao, rất cao (Có tổn thương cơ quan đích, có bệnh /biến cố tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn).
- Bệnh nhân trên 80 tuổi, còn khỏe cần điều trị bằng thuốc khi huyết áp trên 160/90mmHg.
- Bệnh nhân từ 65 – 80 tuổi cần dùng thuốc khi huyết áp trên 140/90 mmHg.
Đối với trường hợp tăng huyết áp độ 2 trở lên (Huyết áp tối đa trên 160mmHg và/ hoặc huyết áp tối thiểu trên 100 mmHg): Dùng thuốc cao huyết áp ngay từ đầu để hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Các nhóm thuốc cao huyết áp phổ biến hiện nay
Thuốc cao huyết áp thường dùng trong điều trị hiện nay gồm 6 nhóm thuốc dưới đây:
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu được coi là nhóm thuốc nên lựa chọn hàng đầu trong điều trị cao huyết áp.
Cơ chế tác dụng:
Thuốc lợi tiểu giúp làm giảm khối lượng máu trong lòng mạch, do đó, tim bạn sẽ phải bơm ít máu hơn trong mỗi nhịp đập, dẫn đến giảm huyết áp. Ngoài ra, một số thuốc lợi tiểu (Indapamide) còn có tác dụng gây giãn mạch nhẹ.
Các thuốc lợi tiểu thường dùng trong điều trị:
Thuốc lợi tiểu được chia làm 3 nhóm chính:
- Lợi tiểu Thiazide: Hydrochlorothiazide, Indapamide.
- Lợi tiểu quai: Furosemide.
- Lợi tiểu giữ Kali: Spironolactone.
Tác dụng không mong muốn:
Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu có thể khác nhau tùy vào nhóm thuốc bạn sử dụng. Đối với thuốc lợi tiểu thiazide và lợi tiểu quai, tác dụng phụ thường gặp của chúng là gây mất kali. Vì vậy, khi dùng nhóm lợi tiểu này, bạn cần chú ý bổ sung kali cho cơ thể.
Thuốc lợi tiểu giữ kali có thể khắc phục được tác dụng không mong muốn của hai nhóm trên. Tuy nhiên, nó có thể gây ra tình trạng tăng kali máu ở một số bệnh nhân.
Thuốc tác động lên thần kinh giao cảm
Dựa vào đích tác dụng mà nhóm thuốc này được chia thành nhiều nhóm nhỏ: Thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn alpha giao cảm, thuốc chẹn cả alpha và beta giao cảm, thuốc ức chế thần kinh trung ương.
Thuốc chẹn beta giao cảm
☛ Tác dụng: Thuốc chẹn beta giao cảm gây hạ huyết áp bằng cách ngăn chặn tác động của các chất dẫn truyền thần kinh lên thụ thể beta trên tế bào cơ tim, từ đó làm tim đập chậm hơn gây giảm huyết áp.
☛ Các loại thuốc chẹn beta giao cảm thường dùng hiện nay:
- Chẹn beta chọn lọc: Atenolol, Bisoprolol, Metoprolol, Acebutolol.
- Chẹn beta không chọn lọc: Propranolol.
☛ Tác dụng phụ: Thường gặp nhất là mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn cương dương, khó thở, mất ngủ và giảm khả năng chịu đựng khi tập thể dục.
☛ Chống chỉ định: Bạn cần lưu ý không sử dụng nhóm thuốc này trong các trường hợp sau:
- Nhịp tim chậm, đặc biệt là block nhĩ thất độ cao.
- Suy tim nặng.
- Mắc các bệnh phổi co thắt: Hen phế quản, COPD.
- Thận trọng khi dùng cho người bệnh đái tháo đường hay rối loạn lipid máu do thuốc có thể ức chế các biểu hiện của tai biến hạ đường huyết và làm tăng triglyceride trong máu.
Thuốc chẹn alpha giao cảm
☛ Tác dụng: Thuốc chẹn alpha giao cảm có tác dụng tương tự như thuốc chẹn beta, nhưng chúng tác động lên các thụ thể alpha ở mạch ngoại vi, gây giãn động mạch và tĩnh mạch dẫn đến giảm huyết áp.
☛ Tác dụng phụ: Nhóm thuốc này có thể gây hạ huyết áp, tim đập nhanh, chóng mặt, nghẹt mũi, nhức đầu và khô miệng.
☛ Các thuốc chẹn alpha giao cảm: Doxazosin mesylate, Prazosin hydrochloride.
Thuốc chẹn cả alpha và beta giao cảm
☛ Tác dụng: Do chẹn cả hai loại thụ thể ở mạch ngoại vi nên các thuốc nhóm này có được cả hai cơ chế gây hạ huyết áp của hai nhóm thuốc trên.
☛ Các thuốc thường dùng: Labetalol, Carvedilol.
Thuốc tác động lên hệ giao cảm trung ương
☛ Cơ chế tác dụng của thuốc tác động lên hệ giao cảm trung ương: Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh kích thích hệ thần kinh giao cảm trung ương, nhờ đó giảm sự co mạch máu, dẫn đến giảm huyết áp.
☛ Tác dụng phụ: thường gặp nhất là hạ huyết áp tư thế, khô miệng, trầm cảm, rối loạn cương dương và buồn ngủ.
☛ Các thuốc thường dùng: Thuốc tác động lên hệ giao cảm trung ương bao gồm Clonidine và Methyldopa. Chúng thường được sử dụng kết hợp với các loại thuốc huyết áp khác.
Thuốc ức chế men chuyển
Tác dụng của thuốc ức chế men chuyển:
Angiotensin II là chất hóa học được hình thành từ angiotensin I, có tác dụng gây tăng huyết áp do gây giữ nước, muối và gây co mạch. Các thuốc ức chế men chuyển sẽ vô hiệu hóa men chuyển đổi angiotensin I thành angiotensin II, kết quả là thận giảm giữ muối nước và giãn mạch, gây hạ huyết áp.
Các thuốc trong nhóm này có hiệu quả trên hầu hết các bệnh nhân và ít gây tác dụng phụ hơn so với nhiều loại thuốc cao huyết áp khác. Chúng không ảnh hưởng đến nhịp tim và sức co bóp cơ tim, không gây rối loạn về đường máu hay mỡ máu khi sử dụng kéo dài.
Tác dụng không mong muốn:
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng thuốc là gây ho khan (10 – 20%). Một số trường hợp cần phải ngưng thuốc vì tác dụng phụ này.
Chống chỉ định:
Thuốc ức chế men chuyển chống chỉ định cho các trường hợp sau:
- Phụ nữ có thai.
- Tăng kali máu: Thuốc có thể gây giữ kali, do đó cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy thận, đang dùng thuốc lợi tiểu giữ kali hay đang bổ sung kali.
- Hẹp động mạch thận hai bên: Thuốc ức chế men chuyển có thể gây suy thận đột ngột ở những bệnh nhân mắc bệnh lý trên.
Các thuốc thường dùng: Benazepril, Captopril (Capoten, Lopril), Enalapril (Renitec), Imidapril, Lisinopril (Zestril), Perindopril (Coversyl), Quinapril, Ramipril.
Thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin
Nhóm thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin đã được đưa vào điều trị tăng huyết áp từ năm 1995.
Cơ chế tác dụng:
Thuốc hoạt động bằng cách ngăn không cho angiotensin II gắn vào thụ thể của nó trên thành mạch, nhờ đó làm mất tác dụng của angiotensin II, gây giãn mạch và giảm huyết áp.
Tác dụng không mong muốn:
Thuốc ức chế thụ thể AT1 được dung nạp tốt ở hầu hết người bệnh cao huyết áp và ít gây tác dụng phụ trầm trọng. Đặc biệt, thuốc không gây ho khan như khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển. Do đó, chúng thường được chỉ định dùng thay thế cho các trường hợp không dung nạp thuốc ức chế men chuyển.
Chống chỉ định:
Tương tự như thuốc ức chế men chuyển.
Các thuốc thường được dùng: Candesartan (Atacand), Irbesartan (Avapro), Losartan (Cozaar), Telmisartan (Micardis), Valsartan (Diovan).
Thuốc chẹn kênh Canxi
Các loại thuốc thường dùng:
Thuốc chẹn kênh Canxi gồm hai nhóm chính:
- Nhóm Dihydropyridin (DHP): Nifedipin (Adalat), Amlodipin (Amlor), Felodipin (Plendil).
- Nhóm không phải Dihydropyridin: Diltiazem, Verapamil.
Cơ chế tác dụng:
Thuốc chẹn kênh canxi làm chậm sự di chuyển của canxi vào trong tế bào cơ trơn thành mạch (nhóm Dihydropyridin) và tế bào cơ tim (nhóm không phải Dihydropyridin). Điều này gây giãn mạch và làm giảm sức co bóp của tim, gây tác dụng giảm huyết áp.
Tác dụng không mong muốn:
Thuốc chẹn kênh canxi có thể gây một số tác dụng phụ như nhức đầu, phù nề, ợ chua. Ngoài ra, Nifedipin có thể gây ra đánh trống ngực, Diltiazem và verapamil có thể gây táo bón và tim đập chậm.
Chống chỉ định:
Thuốc chẹn kênh canxi không được dùng trong các trường hợp:
- Block nhĩ thất độ 2 và 3 với Verapamil/ Diltiazem.
- Có thể chống chỉ định: Suy tim sung huyết với Verapamil hoặc Diltiazem.
Thuốc giãn mạch trực tiếp
Tác dụng của thuốc giãn mạch trực tiếp:
Thuốc giãn mạch trực tiếp làm giảm huyết áp bằng cách gây giãn các động mạch. Nhóm thuốc này thường có tác dụng nhanh và thường được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.
Thuốc giãn mạch trực tiếp có thể gây giữ nước và nhịp tim nhanh, do đó, chúng thường được sử dụng kết hợp với thuốc cao huyết áp khác làm chậm nhịp tim, ví dụ như thuốc chẹn beta giao cảm để bảo vệ tim.
Tác dụng không mong muốn:
Tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng thuốc bao gồm: Nhức đầu, đánh trống ngực, suy nhược, đỏ bừng, buồn nôn. Minoxidil có thể gây mọc tóc, giữ nước và tăng đường huyết.
Các thuốc thường dùng trong điều trị: Hydralazine (Apresoline) và Minoxidil (Loniten).
Nguyên tắc sử dụng thuốc cao huyết áp
Để đạt được hiệu quả tối ưu và tránh các tác dụng phụ không mong muốn, khi sử dụng các loại thuốc điều trị cao huyết áp, bạn cần lưu ý một số nguyên tắc sau:
☛ Không tự ý dùng hay thay đổi thuốc điều trị
Bạn cần dùng thuốc cao huyết áp theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý lựa chọn và mua thuốc về sử dụng vì việc làm này rất nguy hiểm, có thể gây ra tác dụng không mong muốn hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Trong trường hợp thuốc không có hiệu quả, bạn cần báo với bác sĩ để được cân nhắc thay đổi thuốc điều trị khác. Tuyệt đối không tự ý thay đổi loại thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
☛ Bắt đầu sử dụng thuốc từ liều thấp và phối hợp các nhóm thuốc nếu cần
Khi bạn mới bị tăng huyết áp, bạn có thể dùng một thuốc trong số các nhóm: Lợi tiểu thiazide liều thấp, chẹn kênh canxi tác dụng kéo dài, ức chế men chuyển, chẹn beta giao cảm.
Nếu thuốc sử dụng đầu tiên không mang lại hiệu quả thì bạn mới cần dùng hai nhóm thuốc khác nhau. Ngoài ra, theo khuyến cáo của JNC 7, nếu bạn mới bị bệnh nhưng huyết áp cao hơn mức mục tiêu khá nhiều (huyết áp tối đa cao hơn 20mmHg, huyết áp tối thiểu cao hơn 10 mmHg), bạn cần điều trị bằng 2 thuốc phối hợp, thường có thuốc lợi tiểu.
Đối với người bệnh tăng huyết áp từ độ 2 trở lên, có nguy cơ tim mạch cao thì cần phối hợp 2 thuốc ở liều thấp ngay từ ban đầu.
☛ Uống đủ liều, đều đặn, đúng giờ
Thuốc cao huyết áp chỉ có thể có tác dụng khi đạt đến một ngưỡng nhất định. Do đó, bạn cần sử dụng thuốc đúng liều, tuyệt đối không tự ý tăng hay giảm liều thuốc trong quá trình điều trị.
Bạn cũng cần duy trì khoảng cách giữa các lần uống thuốc huyết áp. Đối với thuốc chỉ dùng 1 lần trong ngày, bạn nên uống vào 1 giờ cố định. Đối với thuốc uống nhiều lần trong ngày thì nên chia đều trong 24 giờ.
☛ Duy trì sử dụng thuốc suốt đời
Cao huyết áp là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời. Vì vậy, nguyên tắc quan trọng nhất khi dùng thuốc cao huyết áp là cần duy trì sử dụng lâu dài, không tự ý bỏ thuốc ngay cả khi huyết áp đã trở về mức bình thường. Việc ngừng điều trị có thể khiến huyết áp tăng đột ngột gây nguy hiểm cho sức khỏe.
☛ Lưu ý chống chỉ định và tác dụng phụ của thuốc.
Khi thăm khám bệnh, bạn cần báo rõ cho bác sĩ các thông tin cần thiết như: tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng… để bác sĩ cân nhắc lựa chọn thuốc phù hợp, hạn chế tối đa sự tương tác của thuốc.
Sản phẩm hỗ trợ điều trị cao huyết áp
Hiện nay, bên cạnh các loại thuốc cao huyết áp dùng trong điều trị kể trên, có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ cho người bệnh cao huyết áp được nghiên cứu và đưa ra thị trường. Các sản phẩm này có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị cao huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các biến chứng có hại.
Dưới đây là một số sản phẩm hỗ trợ điều trị cao huyết áp hiện nay:
Viên uống cao huyết áp Apharin
Apharin là sản phẩm viên uống hỗ trợ điều trị cao huyết áp được nghiên cứu và sản xuất bởi công ty Dược Nesfaco. Sản phẩm đã được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại và được kiểm nghiệm bởi Bộ y tế.
Với thành phần hoàn toàn tự nhiên như: hoa hòe, địa long, thục địa, hạ khô thảo, hoài sơn… Apharin giúp ổn định huyết áp một cách an toàn, không gây tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài. Ngoài ra, sản phẩm còn hỗ trợ cải thiện mỡ máu, sức bền thành mạch và cải thiện tuần hoàn máu hiệu quả.
Apharin được khuyên dùng cho người bệnh huyết áp cao, rối loạn tiền đình, hay hồi hộp, tức ngực, mất ngủ, người bị thiếu máu cơ tim.
VIên uống Hapanix
Hapanix là sản phẩm có nhiều công dụng hiệu quả, một trong số đó là hỗ trợ ổn định huyết áp ở người bệnh cao huyết áp. Sản phẩm là sự kết hợp nhiều loại thảo dược quý hiếm như cao rễ nhàu, giảo cổ lam, xạ đen, hoa tam thất, ba gạc… và đã được Bộ y tế và Cục An toàn thực phẩm cấp phép lưu hành trên thị trường
Không chỉ hữu hiệu với người gặp phải các vấn đề về huyết áp, Hapanix còn giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch, mỡ máu và tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể.
Định Áp Vương
Với thành phần chính là cao cần tây kết hợp cùng nhiều thảo dược quý như: cao hoàng bá, cao lá dâu tằm, chiết xuất tỏi, nattokinase,…, Định Áp Vương là giải pháp hỗ trợ hạ cơn tăng huyết áp và ổn định huyết áp hiệu quả mà bạn nên tham khảo.
Bên cạnh đó, Định Áp Vương còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm mỡ máu và dưỡng tâm. Do đó, sản phẩm được khuyên dùng cho người bệnh cao huyết áp, người có nguy cơ cao huyết áp, người thường xuyên căng thẳng tâm lý, mỡ máu cao, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, người thừa cân hay ít hoạt động thể lực.
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cần kết hợp áp dụng các biện pháp can thiệp tại nhà để tăng thêm hiệu quả điều trị bệnh. ☛ Bạn có thể thao khảo các phương pháp chữa cai huyết áp tại nhà trong bài viết: Chữa cao huyết áp tại nhà, người bệnh nào cũng áp dụng được
Tài liệu tham khảo:
- https://www.health.harvard.edu/heart-health/medications-for-treating-hypertension
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/in-depth/high-blood-pressure-medication/art-20046280
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4106550/