Huyết áp cao là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và mù lòa. Khiến cho hàng trăm nghìn người bị tàn phế, mất sức lao động mỗi năm. Tăng huyết áp đang là một trong những bệnh không lây nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay.
Đáng nói, theo thống kê tại nước ta, cứ 5 người trưởng thành lại có 1 người mắc bệnh. Tuy nhiên, gần 1 nửa số người mang bệnh không biết mình bị tăng huyết áp do bệnh không có dấu hiệu đặc trưng. Vì vậy, người bệnh cũng như người thân cần phải trang bị cho mình những hiểu biết nhất định để nhận biết đúng các triệu chứng huyết áp cao, phát hiện và xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Mục lục
Thế nào là cao huyết áp?
Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, là một tình trạng rất phổ biến, xảy ra khi huyết áp của bạn tăng cao hơn mức bình thường.
Huyết áp của bạn được thể hiện bằng chỉ số tâm thu (áp lực khi tim bạn đập) và số liệu tâm trương (áp lực giữa nhịp đập của tim) và được đo bằng milimet thủy ngân (mmHg).
- Huyết áp bình thường: 120/80 mmHg
- Có nguy cơ (tiền tăng huyết áp): 120 – 139 / 80 – 89 mmHg
- Nguy cơ cao : 140/90 mmHg hoặc cao hơn
Phát hiện sớm cao huyết áp là rất quan trọng. Kiểm tra huyết áp thường xuyên có thể giúp bạn và bác sĩ nhận thấy được những bất ổn về sức khỏe. Nếu huyết áp của bạn tăng cao, bác sĩ có thể yêu cầu bạn kiểm tra huyết áp trong một vài tuần để xem liệu con số có tăng cao hay giảm trở lại mức bình thường hay không.
Có những người bị huyết áp cao mà không hề hay biết vì không kiểm tra y tế định kỳ và không nhận thấy triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, bạn có thể bị cao huyết áp nếu có một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây.
Các triệu chứng huyết áp cao
Huyết áp cao là tình trạng huyết áp tối đa lớn hơn 135 mmHg và huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 85 mmHg trở lên. Các chỉ số này có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào các yếu tố giới tính, tuổi tác và thói quen sinh hoạt.
Tùy thuộc vào thể trạng từng người, triệu chứng huyết áp cao rất phức tạp và cũng có biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng huyết áp cao cơ bản như người bệnh cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt. Cũng có người bệnh có các triệu chứng dữ dội hơn, có thể đau vùng tim, giảm thị lực, người bệnh thở gấp, mặt đỏ bừng, tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng….
Cụ thể như sau:
Nhịp tim không đều
Nhịp tim không đều hay thường được gọi là đánh trống ngực, là cảm giác rằng tim đang đập nhanh hơn bình thường.
Vấn đề về thị lực
Vấn đề về thị lực xảy ra do mức huyết áp cao mãn tính có thể gây tổn thương cho các mạch máu nhỏ mang máu đến các bộ phận khác nhau của mắt.
Một trong những vấn đề chính là bệnh võng mạc, đó là tổn thương gây ra ở võng mạc. Bệnh lý võng mạc có thể rất nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị mất thị lực hoàn toàn.
Nhức đầu
Huyết áp tăng cao làm tăng áp lực bên trong và gây ra cơn đau đầu dữ dội. Đau đầu do cao huyết áp khác với các loại đau nửa đầu hoặc đau đầu khác và nó không thuyên giảm với thuốc giảm đau.
Đau ngực
Bạn có thể cảm thấy ngực đau nhẹ hoặc đánh trống ngực, đây là triệu chứng không thể bỏ qua. Ngoài ra, bạn còn có thể có biểu hiện ra mồ hôi, khó thở và buồn nôn.
Chóng mặt
Chóng mặt đột ngột, cơ thể mất thăng bằng hoặc việc đi lại khó khăn là những dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ. Huyết áp cao chính là một yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với đột quỵ.
Đỏ mặt
Đỏ bừng mặt xảy ra khi các mạch máu trong mặt giãn ra. Nó có thể là phản ứng với một số tác nhân như phơi nắng, thời tiết lạnh, thức ăn cay, gió, đồ uống nóng và các sản phẩm chăm sóc da.
Đỏ bừng mặt cũng có thể xảy ra khi bạn căng thẳng, tiếp xúc với nhiệt hoặc nước nóng, uống rượu và tập thể dục – tất cả những điều này đều có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Đỏ mặt có thể là phản ứng báo hiệu rằng huyết áp của bạn đang lên cao.
Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp?
Bạn có nguy cơ tăng huyết áp nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố được liệt kê dưới đây:
- Tuổi: người lớn tuổi có nguy cơ cao huyết áp.
- Giới tính: phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng sẽ mắc cao huyết áp hơn, và đàn ông dưới 45 tuổi có nhiều khả năng mắc cao huyết áp hơn so với phụ nữ.
- Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị cao huyết áp.
- Tiền sử gia đình: nếu các thành viên trong gia đình của bạn (cha mẹ hoặc anh chị) mắc bệnh cao huyết áp, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
- Có các bệnh lí về thận: viêm cầu thận cấp và mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận…
- Có các bệnh lí về nội tiết: u tủy thượng thận, cường Aldosteron, Cushing, cường giáp,…
Đối với người lớn tuổi, những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp bao gồm:
- Thừa cân;
- Không tập thể dục thường xuyên;
- Chế độ ăn uống không lành mạnh;
- Tiêu thụ quá nhiều muối;
- Uống rượu;
- Hút thuốc lá;
- Mắc chứng ngưng thở lúc ngủ;
- Căng thẳng.
Cao huyết áp có nguy hiểm không?
Cao huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra triệu chứng rõ ràng. Nhưng nó lại có thể dẫn tới tổn thương động mạch và suy giãn tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể, có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, và suy tim.
Các bộ phận khác của cơ thể như thận, chân tay và mắt cũng có thể bị tổn thương. Bạn có thể bị huyết áp cao (tăng huyết áp) trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi không có triệu chứng, tổn thương mạch máu và tim của bạn vẫn tiếp tục và có thể được phát hiện. Huyết áp cao không được kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm đau tim và đột quỵ.
Huyết áp cao thường phát triển trong nhiều năm và cuối cùng nó ảnh hưởng đến gần như tất cả mọi người. May mắn thay, huyết áp cao có thể dễ dàng được phát hiện. Và một khi bạn biết mình bị huyết áp cao, bạn có thể làm việc với bác sĩ để kiểm soát nó.
Đặc biệt huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Đau tim hoặc đột quỵ.
- Chứng phình động mạch.
- Suy tim.
- Suy yếu và thu hẹp các mạch máu trong thận của bạn.
- Các mạch máu dày, hẹp hoặc rách trong mắt.
- Sa sút trí tuệ.
Nếu chỉ số huyết áp của tôi cao hơn mức bình thường của WHO, liệu tôi có phải bị cao huyết áp?
Nếu bạn đã từng gặp tình trạng huyết áp tăng vọt làm cho số tối thiểu tăng quá 120 mmHg hoặc số tối đa tăng thêm lên 30 – 40 mmHg, đây có thể là dấu hiệu của cơn tăng huyết áp nhưng cũng có thể do một số nguyên nhân khác
Khi huyết áp cao đột ngột, bạn có thể cảm thấy huyết áp đang tăng cao khi thấy đau đầu, đau gáy, cứng cổ, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói hay chỉ là cảm giác bứt rứt, lo lắng khó chịu mơ hồ.
Lúc này, việc nhanh chóng tìm chỗ ngồi nghỉ và đo huyết áp để kiểm tra ngay lập tức là vô cùng cần thiết.
Làm thế nào để chẩn đoán cao huyết áp?
Bác sĩ của bạn sẽ tham khảo các yếu tố nguy cơ của bạn, tiền sử gia đình, khám lâm sàng và huyết áp của bạn để chẩn đoán chính xác bệnh. Sau đó kiểm tra lại huyết áp bằng dụng cụ đo chuyên biệt.
Để chuẩn bị cho kiểm tra huyết áp, bạn nên:
- Không uống cà phê hay hút thuốc lá trong 30 phút trước khi kiểm tra.
- Đi vệ sinh trước khi kiểm tra huyết áp.
- Ngồi yên trong 5 phút trước khi kiểm tra.
Các biện pháp phòng ngừa cao huyết áp
Kiểm soát cân nặng
Điều đầu tiên cần ghi nhớ để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp là luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Những người béo phì thừa cân thường có nguy cơ mắc tăng huyết áp cao hơn những người có cân nặng bình thường.
Chế độ ăn uống khoa học
Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần tích cực sử dụng thực phẩm hỗ trợ hiệu quả phòng ngừa như: Rau xanh và trái cây; Ngũ cốc thô; Cá. Ngoài ra, hãy thay các món chiên, xào bằng thức ăn nướng hoặc hấp để tốt cho sức khỏe.
Song song với việc bổ sung các thực phẩm trên, bạn cũng cần lưu ý tránh những thực phẩm có thể gây tăng huyết áp như: Đồ ăn mặn, chiên xào, đồ ngọt, chất kích thích, thực phẩm chế biến sẵn, một số loại thịt đỏ,…
Luyện tập thường xuyên
Để phòng ngừa tăng huyết áp, cần lên kế hoạch duy trì luyện tập từ 30 – 60 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Việc luyện tập còn giúp bạn tránh xa stress – một trong những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao.
Nếp sinh hoạt lành mạnh
Ngoài chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, có thể phòng tránh tăng huyết áp hiệu quả bằng một số lưu ý trong cuộc sống hàng ngày như:
- Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn.
- Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm.
- Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.
Dựa vào các triệu chứng và cách phòng ngừa cao huyết áp trên, bạn có thể tự theo dõi tình hình sức khỏe của mình, tránh chủ quan trước những dấu hiệu của cơ thể. Đặc biệt, ngoài chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp vận động hợp lý, bạn nên thăm khám, theo dõi huyết áp thường xuyên để phòng, tránh cao huyết áp một cách chủ động nhất.
Xem thêm video sau để biết tổng quan về các triệu chứng của tăng huyết áp:
Nguồn tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/expert-answers/hypertensive-crisis/faq-20058491
- https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/hypertension-symptoms-high-blood-pressure