Tụt huyết áp là bệnh lý phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Tuy nhiên, tụt huyết áp nếu được xử trí kịp thời và đúng cách, cơ thể có thể phục hồi tốt và tránh được các nguy hiểm không mong muốn. Vì vậy, bạn cần nắm rõ các biện pháp xử trí khi tình trạng này xảy ra để bảo vệ tốt sức khỏe của chính mình và người thân trong gia đình.
Mục lục
Tụt huyết áp là gì?
Tụt huyết áp (hay còn gọi là hạ huyết áp) là tình trạng huyết áp bị giảm xuống thấp đột ngột, trong đó chỉ số huyết áp tâm thu giảm xuống dưới 90 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương giảm dưới 60 mmHg.
Huyết áp giảm càng thấp và càng nhanh thì nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tụt huyết áp sẽ càng lớn.
Vì sao bạn bị tụt huyết áp?
Tình trạng tụt huyết áp có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến bạn bị tụt huyết áp:
- Hạ huyết áp do tư thế: Hiện tượng này xảy ra khi huyết áp giảm nhanh trong quá trình thay đổi tư thế, cơ thể đột ngột từ đang nằm hoặc ngồi sang đứng lên. Ngoài ra, giữ tư thế đứng quá lâu cũng là một nguyên nhân gây tụt huyết áp thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em và người trẻ tuổi.
- Do tự ý sử dụng hoặc không tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi dùng các thuốc giảm huyết áp trong điều trị bệnh tăng huyết áp.
- Sử dụng các thuốc gây tụt huyết áp: Thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn alpha, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, một số nhóm thuốc điều trị đái tháo đường,…
- Dùng các loại đồ uống có cồn.
- Hạ huyết áp do các bệnh lý khác trong cơ thể: Bệnh tim mạch, nội tiết (bệnh tuyến cận giáp, suy thượng thận, đái tháo đường…).
- Mất máu, mất nước nhiều, tình trạng nhiễm trùng nặng, phản ứng dị ứng (phản vệ) nghiêm trọng.
- Thiếu chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống (thiếu vitamin B12, acid folic và sắt), suy nhược cơ thể, căng thẳng, mất ngủ.
- Phụ nữ có thai
Việc xác định được nguyên nhân gây tụt huyết áp là rất quan trọng. Khi bạn bị tụt huyết áp thường xuyên mà chưa rõ nguyên nhân, bạn nên tìm hiểu, thăm khám sớm để biết được lý do chính xác khiến mình mắc phải tình trạng này. Điều này sẽ giúp bạn có biện pháp xử trí phù hợp khi bị tụt huyết áp cũng như điều trị tận gốc và phòng ngừa bệnh tái phát đúng cách.
Dấu hiệu nhận biết khi bị tụt huyết áp
Bạn có thể nhận biết cơn tụt huyết áp qua các biểu hiện, triệu chứng dưới đây:
- Chóng mặt hoặc choáng váng.
- Mờ mắt.
- Buồn nôn.
- Mệt mỏi.
- Mất tập trung.
- Buồn ngủ.
- Cảm thấy yếu người, ngất xỉu.
Ngoài ra, tụt huyết áp có thể có rất nhiều biểu hiện khác, bao gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều, nổi mề đay, sốt, khó tiêu và nôn mửa.
Có cần xử lý sớm tình trạng tụt huyết áp không?
Bình thường, huyết áp luôn được cơ thể giữ ổn định bằng nhiều cơ chế để cung cấp máu đều đặn đến các cơ quan. Khi bạn bị tụt huyết áp, máu đến các cơ quan sẽ giảm, dẫn đến việc thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết. Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý có thể dẫn đến rất nhiều nguy cơ như: Sốc, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy các cơ quan, suy giảm trí nhớ, chấn thương do té ngã bất ngờ, đặc biệt là khi lái xe, đi cầu thang, làm việc trên cao…
Vì vậy, việc xử lý sớm và đúng cách tình trạng tụt huyết áp là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, bảo vệ tốt sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình.
Bị tụt huyết áp nên làm gì?
Tụt huyết áp là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng nặng nề nếu không được xử lý nhanh chóng và đúng cách. Do đó, ngay khi cảm nhận được cơ thể xuất hiện các dấu hiệu của tụt huyết áp, bạn cần thực hiện các biện pháp dưới đây để giúp cơ thể hồi phục và tránh các nguy hiểm không mong muốn.
Thay đổi tư thế
Khi có dấu hiệu của tụt huyết áp, điều quan trọng nhất là bạn cần giữ bình tĩnh, không nên lo lắng, hoảng hốt. Sau đó, tùy vào vị trí, bạn nên lập tức tìm nơi thoáng mát để từ từ ngồi xuống hoặc nằm xuống bề mặt phẳng, nâng cao hai chân lên trên mức tim. Nếu bạn có dụng cụ đo huyết áp bên cạnh, bạn nên nhờ người khác đo huyết áp hiện tại của mình để theo dõi tình trạng huyết áp và có hướng xử lý tốt nhất.
Bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng huyết áp
Sau khi đã ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi, bạn có thể cải thiện huyết áp của mình bằng cách bổ sung một số thực phẩm dưới đây:
➤ Muối: Hàm lượng natri cao trong muối có thể giúp tăng huyết áp của bạn một cách nhanh chóng. Vì vậy, khi cơ thể có những biểu hiện của tụt huyết áp, bạn nên sử dụng một nhúm muối pha với nước để uống sẽ cải thiện đáng kể tình trạng này.
➤ Đường glucose: Nếu bạn hay bị tụt huyết áp, lời khuyên dành cho bạn là hãy luôn mang theo gói đường glucose bên mình. Bạn có thể pha hai thìa cà phê đường glucose cùng với một chút muối vào nước, khuấy đều rồi uống sẽ rất tốt cho huyết áp của bạn.
➤ Cà phê: Caffeine có tác dụng co mạch, vì vậy, bổ sung Caffeine là một biện pháp dễ thực hiện và có hiệu quả nhanh chóng trong việc làm tăng huyết áp. Cà phê có chứa nhiều caffeine, do đó, sử dụng cà phê (đặc biệt là cà phê đen) sẽ rất tốt cho người đang bị tụt huyết áp.
➤ Trà xanh: Giống như cà phê, trà xanh cũng có hàm lượng caffeine cao và giúp cải thiện tình trạng tụt huyết áp của bạn. Bạn có thể pha trà xanh hoặc sử dụng bột trà xanh pha với nước nóng đều mang lại hiệu quả cao.
➤ Nho khô: Nho khô được biết đến là thực phẩm có hiệu quả tốt trong việc duy trì huyết áp ổn định. Do đó, khi bị tụt huyết áp, hãy ăn 10 – 15 quả nho khô ngay lập tức, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng của tụt huyết áp được cải thiện dần.
➤ Mật ong: Bất cứ khi nào nhận thấy các dấu hiệu của tụt huyết áp, bạn hãy lập tức pha một ly nước nhỏ với mật ong và một nhúm muối để uống.
➤ Nhân sâm, cam thảo: Đun sôi một muỗng trà nhân sâm hoặc cam thảo với nước. Sau đó, bạn lọc trà, để nguội, thêm một muỗng mật ong và uống sẽ giúp cơ thể dễ chịu hơn.
➤ Nước: Nếu bạn không có sẵn các loại thực phẩm trên bên cạnh khi bị tụt huyết áp, nước sẽ là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất dành cho bạn. Uống 2 cốc nước (tương đương với 480ml) có thể giúp kích thích nhịp tim, nâng chỉ số huyết áp tạm thời và cải thiện tình trạng tụt huyết áp gần như ngay lập tức.
➤ Socola: Khi bị tụt huyết áp, bạn nên ăn một ít socola (tốt nhất là socola đen) sẽ giúp bảo vệ thành mạch máu, tăng cường lưu thông máu và giữ huyết áp ổn định hơn.
Xoa bóp bấm huyệt cải thiện tình trạng tụt huyết áp
➤ Day huyệt thái dương: Huyệt thái dương có vị trí nằm ở cuối mi mắt. Nếu bạn đang bị tụt huyết áp, bạn nên dùng phần tay mềm của hai ngón tay day lên huyệt thái dương, day từ 20 – 50 lần với mức độ mạnh dần.
➤ Vuốt trán: Dùng hai ngón tay của bạn vuốt từ giữa phần trán sang hai bên đến cuối huyệt thái dương. Thực hiện động tác này 30 lần.
➤ Day huyệt phong trì: Khi nhận thấy dấu hiệu của tụt huyết áp, bạn nên dùng ngón tay đặt lên huyệt phong trì, bốn ngón còn lại ôm lấy đầu rồi day và bấm mạnh vào huyệt 10 lần. Phương pháp này sẽ giúp cải thiện tuần hoàn não hiệu quả.
Để xác định huyệt phong trì, bạn có thể sử dụng cách sau: Xòe hai bàn tay, đặt hõm giữa lòng bàn tay vào đỉnh hai tai, các ngón tay ôm chặt lấy đầu, hướng ngón cái về phía sau gáy rồi miết hai ngón tay cái từ trên xuống dưới, vượt qua một ụ xương rơi xuống một chỗ hõm ở hai bên khối cơ nổi sau gáy, đó là vị trí huyệt phong trì.
Sử dụng các loại thuốc điều trị
Nếu bạn hay gặp phải tình trạng tụt huyết áp, đã thăm khám và được bác sĩ kê đơn thuốc tăng huyết áp, bạn có thể sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng tụt huyết áp nhanh chóng.
Ngoài ra, trong trường hợp nguyên nhân gây tụt huyết áp của bạn là do bệnh mãn tính, bạn cần phải sử dụng các thuốc điều trị bệnh mãn tính đó. Ví dụ: Nếu bạn bị suy tim dẫn đến tụt huyết áp thường xuyên, bạn cần uống thuốc trợ tim khi bị tụt huyết áp,…
Sau khi thực hiện các biện pháp trên, nếu tình trạng tụt huyết áp được cải thiện, bạn có thể ngồi hay đứng dậy từ từ để tiếp tục thực hiện các công việc của mình, tránh chuyển tư thế đột ngột. Bạn cũng cần lưu ý cử động chân tay một lúc trước khi thay đổi tư thế để máu được lưu thông tốt hơn, tránh tụt huyết áp tái phát, đặc biệt trong trường hợp tụt huyết áp do tư thế.
Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?
Trong đa số các trường hợp, tình trạng tụt huyết áp thường nhẹ và có thể thuyên giảm khi thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi bạn thực hiện các biện pháp tại nhà mà vẫn không thấy đỡ, hoặc tụt huyết áp đi kèm với các tình trạng cấp tính khác như mất nước do nôn, tiêu chảy, xuất huyết, nhiễm trùng, dị ứng hay có dấu hiệu của sốc (cực yếu, lo lắng tột độ, nhịp tim nhanh, ra mồ hôi…), bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, đôi khi tụt huyết áp còn là dấu hiệu của một bệnh lý mãn tính trong cơ thể. Vì vậy, nếu tình trạng tụt huyết áp của bạn diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và làm việc thường ngày, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ sớm. Bạn sẽ được thăm khám để tìm rõ nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị hiệu quả nhất.
Làm thế nào để phòng tránh tình trạng tụt huyết áp?
Hiện tượng tụt huyết áp lặp lại nhiều lần sẽ khiến bạn mệt mỏi, cơ thể suy yếu, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày. Do đó, bên cạnh việc nắm rõ cách xử lý khi tụt huyết áp, phòng ngừa nguy cơ tụt huyết áp cũng rất quan trọng và cần được quan tâm. Khi cơ thể đã trở lại bình thường sau cơn tụt huyết áp, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để phòng tránh tình trạng tụt huyết áp tái phát:
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
- Chế độ ăn nhiều muối: 10 – 15g muối mỗi ngày.
- Ăn nhiều chất dinh dưỡng, không được bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng.
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột như gạo, bánh mì, khoai tây,…
- Bổ sung vào chế độ ăn các loại thực phẩm giàu các thành phần protein, vitamin C và các loại vitamin nhóm B.
- Không nên ăn các thực phẩm có tính lợi tiểu như rau cải, dưa hấu, bí ngô,…
- Uống nhiều nước, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu, stress.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, khi ngồi dậy cần phải từ từ.
- Ngủ đủ giấc, khi ngủ nên gối đầu thấp, kê chân cao.
- Sử dụng nước nóng để tắm giúp tăng cường lưu thông máu, tuy nhiên bạn không nên tắm quá lâu hay xông hơi.
- Tập thể dục vừa sức, đều đặn hàng ngày (10 – 15 phút/ngày) và tránh hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ lên cao.
- Sử dụng tất nếu cần.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Trên đây là những biện pháp khắc phục cơn tụt huyết áp đơn giản, hiệu quả tại nhà và cách phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp bạn không còn phải lo lắng về tình trạng tụt huyết áp thường xuyên của mình và có một sức khỏe tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.verywellhealth.com/sudden-drop-in-blood-pressure-1324162
- https://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-basics#1
- https://www.wikihow.com/Raise-Low-Blood-Pressure