Việc sử dụng các loại lá để hạ huyết áp là một trong những phương pháp được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt những đối tượng lớn tuổi. Vậy có những loại lá nào giúp hạ huyết áp hiệu quả. Chúng ta cùng khám phá ngay 7 loại lá uống hạ huyết áp có thể dễ tìm nhé!
Mục lục
7 loại lá uống giúp hạ huyết áp hiệu quả
Dưới đây là 7 loại lá uống có tác dụng hạ huyết áp tốt cho những người bị cao huyết áp như sau:
1. Lá dâu tằm
Nghiên cứu “Chiết xuất Morus alba điều chỉnh cân bằng nội môi huyết áp thông qua tín hiệu eNOS” chỉ ra tác dụng của lá dâu tằm đối với việc điều hòa huyết áp. Nghiên cứu tập trung vào việc chiết xuất này ảnh hưởng như thế nào đến con đường truyền tín hiệu nitric oxit synthase (eNOS) nội mô, rất quan trọng để ổn định huyết áp và duy trì sức khỏe mạch máu.
Kết quả cho thấy chiết xuất lá dâu tằm giúp cải thiện đáng kể việc điều hòa huyết áp bằng cách tăng cường hoạt động của eNOS. Điều này dẫn đến tăng sản xuất oxit nitric, giúp giãn mạch máu và giảm huyết áp.
Vì vậy, nước uống lá dâu tằm có thể là một phương thuốc tự nhiên tiềm năng để kiểm soát chứng tăng huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
2. Lá vối
Lá vối là loại lá phổ biến ở Việt Nam có tác dụng hạ huyết áp đáng kể. Theo nghiên cứu “Tác dụng hạ huyết áp của Syzygium cumini ở chuột tăng huyết áp tự phát” của Rachel Melo Ribeiro và cộng sự đã kiểm tra tác dụng hạ huyết áp từ lá cây vối rừng.
Lá vối giúp giảm hoạt động co mạch có liên quan đến canxi từ đó giúp giãn mạch, giảm huyết áp. Dịch chiết của lá vối cũng giàu flavonoid có tác dụng hạ huyết áp nhờ khả năng chống oxy hóa, bảo vệ thành mạch, ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
Ngoài ra, lá vối còn hỗ trợ trong việc điều hòa đường huyết và giảm cholesterol, táo bón, rối loạn tiết niệu…
Những người bị tăng huyết áp có thể uống nước lá vối đều đặn mỗi ngày để kiểm soát huyết áp.
3. Lá hương nhu tía
Một trong các loại lá khác có tác dụng hạ huyết áp hiệu quả là lá hương nhu tía. Theo nghiên cứu “Tác dụng hạ huyết áp của Ocimum basilicum L. (OBL) đối với huyết áp ở chuột tăng huyết áp thận” của Anwar Omar và cộng sự (năm 2010) cho thấy lá hương nhu tía giúp hạ huyết áp cả ở huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tác dụng này nhờ khả năng làm giảm nồng độ các hoạt chất gây co mạch.
4. Lá trà xanh
Lá trà xanh có tác dụng hạ huyết áp đáng kể nhờ chứa nhiều hợp chất hữu ích. Các polyphenol, đặc biệt là catechin trong trà xanh có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp giảm stress oxy hóa và viêm nhiễm trong mạch máu. Điều này giúp cải thiện chức năng nội mô và giãn nở mạch máu, từ đó làm giảm huyết áp.
Nghiên cứu “Tác động của việc thường xuyên uống trà xanh hoặc trà đen lên huyết áp ở những người bị huyết áp cao hoặc tăng huyết áp: Tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp” của Marjan Mahdavi-Roshan và cộng sự (năm 2020) đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ trà xanh thường xuyên có thể giảm đáng kể huyết áp tâm thu khoảng 4,81mmHg và huyết áp tâm trương khoảng 1,98mmHg. Việc uống trà càng lâu (≥3 tháng) giúp hạ huyết áp càng nhiều.
Ngoài ra, trà xanh còn có tác dụng lợi tiểu nhẹ, giúp cơ thể loại bỏ natri và nước dư thừa, góp phần vào việc kiểm soát huyết áp. Vì vậy, việc uống trà xanh hàng ngày có thể là một biện pháp tự nhiên giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
5. Lá chùm ngây
Theo nghiên cứu “Vai trò của thảo dược thiên nhiên trong điều trị tăng huyết áp” cho thấy chiết xuất thô từ lá chùm ngây giúp hạ huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tuy nhiên, tác dụng này là ngắn hạn và trở lại bình thường chỉ sau vài phút. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào liều lượng.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu “Thành phần hạ huyết áp từ vỏ quả Moringa oleifera” của S Faizi cũng cho thấy tác dụng hạ huyết áp là nhờ thành phần thiocarbamate và isothiocyanate có trong chiết xuất thô chùm ngây. Những người bị tăng huyết áp có thể uống lá chùm ngây mỗi ngày để cải thiện huyết áp.
6. Lá mãng cầu xiêm
Chắc hẳn không phải ai cũng biết đến công dụng hạ huyết áp của lá mãng cầu xiêm. Theo nghiên cứu “Cơ chế hoạt động có thể có của tác dụng hạ huyết áp của Annona muricata (mãng cầu) ở chuột Sprague–Dawley có huyết áp bình thường” cho thấy chiết xuất lá cây mãng cầu có tác dụng hạ huyết áp.
Trong lá cây mãng cầu xiêm có chứa các hợp chất alkaloid, isoquinoline, coreximine và anomurine có tác dụng giãn mạch, ức chế huyết áp thoáng qua. Ngoài ra, dịch chiết lá mãng cầu còn phong tỏa các kênh ion canxi, đối kháng Ca2+ làm dịu các cơn co thắt gây tăng áp.
7. Lá sen
Lá sen được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có tác dụng hạ huyết áp. Lá sen chứa nhiều hợp chất sinh học như flavonoid, polysaccharide, và alkaloid, những chất này giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm căng thẳng lên thành mạch máu.
Theo “Nghiên cứu hoạt động giãn mạch của chiết xuất lá sen và chất đại diện nuciferine trên động mạch chủ ngực ở chuột” của Hao Deng và cộng sự (năm 2022) đã chỉ ra rằng chiết xuất từ lá sen có khả năng giảm huyết áp bằng cách làm giãn nở mạch máu và cải thiện lưu thông máu. Tác dụng này nhờ hoạt chất nuciferine hoạt động theo các cơ chế khác nhau như truyền tín hiệu NO/cGMP, kích hoạt kênh K+, ức chế ROCC và giải phóng SR Ca2 +… làm giãn động mạch chủ ngực.
Ngoài ra, lá sen còn có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp giảm stress oxy hóa – yếu tố góp phần quan trọng vào sự phát triển của bệnh tăng huyết áp. Hơn nữa, lá sen còn hỗ trợ giảm cholesterol và cải thiện chức năng gan, giúp điều chỉnh và duy trì huyết áp ổn định.
Tham khảo thêm: Gợi ý 5 loại nước uống cho người bị huyết áp thấp
Ưu và nhược điểm khi sử dụng lá uống hạ huyết áp
Việc sử dụng bất cứ phương pháp nào để điều trị huyết áp cũng có nhiều ưu điểm và những mặt hạn chế. Dưới đây là một số ưu nhược điểm khi sử dụng các loại lá để hạ huyết áp:
Ưu điểm
An toàn, ít độc tính: Hiện nay hầu hết các loại thuốc hạ huyết áp được sử dụng để điều trị huyết áp cao đều được tổng hợp hóa học. Chúng thường có một số hạn chế như độc tính cao, gây tác dụng phụ và nguy cơ tụt huyết áp do dao động huyết áp lớn trong quá trình điều trị. Trong khi đó, các loại lá từ tự nhiên được biết đến là ít độc tính hơn và có tác dụng hạ huyết áp thông qua nhiều cơ chế khác nhau nên giúp hạ huyết áp ổn định.
Dễ kiếm, rẻ tiền: Bên cạnh đó, các loại lá từ tự nhiên này khá dễ tìm, có thể thấy ngay trong ngôi nhà của bạn vì vậy giá thành rẻ, tiết kiệm được chi phí.
Hiệu quả: Nhiều loại lá đã được nghiên cứu chứng minh tác dụng, vì vậy người dùng có thể an tâm về hiệu quả mà nó mang lại. Việc sử dụng chúng thường xuyên có thể giúp duy trì huyết áp ổn định và hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Nhược điểm
Tác dụng chậm: Do hàm lượng dược chất thấp, các lá này thường có tác dụng chậm hơn so với thuốc tây y. Người sử dụng cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài, có thể lên đến vài tháng hoặc cả năm.
Không thể thay thế hoàn toàn thuốc tây y: Các loại thuốc tây y mặc dùng có nguy cơ gây tác dụng phụ nhưng không thể phủ nhận tác dụng hạ huyết áp hiệu quả của nó. Trong khi các loại lá thường có tác dụng chậm thì thuốc tây hạ huyết áp nhanh hơn. Vì vậy, người dùng không nên thay thế hoàn toàn thuốc tây bằng lá thảo dược mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý khi sử dụng các loại lá để hạ huyết áp tại nhà
Khi sử dụng các loại lá để hạ huyết áp cần chú ý những thông tin sau để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Điều quan trọng nhất là bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại lá nào để hạ huyết áp. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định loại lá phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn, liều lượng sử dụng an toàn và tương tác tiềm ẩn với các loại thuốc bạn đang dùng.
- Sử dụng với liều lượng vừa đủ, không nên lạm dụng. Bắt đầu với liều lượng nhỏ và tăng dần nếu cần thiết.
- Không thay thế các thuốc tây mà cần theo dõi hiệu quả điều trị, hỏi ý kiến bác sĩ có thể giảm liều hoặc sử dụng các loại thuốc nhẹ hơn không.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên. Việc theo dõi huyết áp tại nhà không chỉ giúp bạn chủ động kiểm soát sức khỏe mà còn giúp nhận thấy rõ ràng sự thay đổi tích cực hay tiêu cực khi áp dụng các phương pháp giúp hạ huyết áp. Trang bị máy đo huyết áp tại nhà để kiểm tra huyết áp mỗi ngày giúp bạn nắm bắt kịp thời những dấu hiệu bất thường, từ đó có thể nhận kịp thời ngăn chặn tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn mang lại cuộc sống chất lượng và an toàn hơn cho bạn và gia đình.
- Bên cạnh việc sử dụng lá để hạ huyết áp, người bệnh cũng cần kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục mỗi ngày.
Sử dụng lá thảo dược như lá sen, lá hương nhu tía, mãng cầu xiêm… có thể hỗ trợ hạ huyết áp tốt nhưng cần lưu ý không nên lạm dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.