Cao huyết áp hay huyết áp thấp đều là những căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng tác động xấu đến sức khỏe. Sử dụng máy đo huyết áp là một biện pháp giúp sớm phát hiện các bệnh lý này cũng như tránh được nhiều nguy cơ biến chứng. Vậy bạn đã biết đo huyết áp thế nào là đúng cách hay chưa? Nên đo huyết áp vào thời điểm nào là tốt nhất? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc trên.
Mục lục
Đo huyết áp quan trọng như thế nào?
Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các mô, cơ quan trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim, sức cản động mạch và được thể hiện bằng 2 chỉ số là huyết áp tối đa (Áp lực đẩy máu khi tim co bóp) và huyết áp tối thiểu (Áp lực máu khi tim giãn).
Huyết áp là chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe của bạn. Đối với người khỏe mạnh, huyết áp thường vào khoảng 120/80 mmHg. Nếu huyết áp tăng quá cao hoặc giảm quá thấp, đây đều có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, hay gặp nhất là tình trạng tăng huyết áp (huyết áp trên 140/90 mmHg) và huyết áp thấp (huyết áp dưới 90/60 mmHg).
Đo huyết áp là phương pháp giúp bạn biết rõ trị số huyết áp của mình. Do đó, đây là việc làm rất cần thiết để chẩn đoán chính xác các tình trạng bệnh lý trong cơ thể bạn.
Ngoài ra, việc đo huyết áp thường xuyên còn giúp bạn theo dõi xu hướng huyết áp. Nhờ đó, bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh hoặc kiểm soát tốt diễn biến bệnh, phòng tránh hậu quả nguy hiểm không mong muốn.
Thay vì phải đến phòng khám hay bệnh viện hàng ngày, khi đo huyết áp ngay tại nhà, bạn có thể chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, đồng thời giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, để có kết quả đo chính xác, bạn cần biết cách đo huyết áp tại nhà đúng cách cũng như thời điểm đo huyết áp phù hợp nhất.
Nên đo huyết áp vào thời điểm nào?
Kết quả đo huyết áp có thể thay đổi theo sinh hoạt, vận động, thời điểm khác nhau trong ngày… Chính vì vậy, việc lựa chọn đúng thời điểm đo huyết áp là rất cần thiết để tránh các sai số không mong muốn khi đo.
Trên thực tế, việc đo huyết áp không có khoảng thời gian cố định. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số điều về thời điểm đo huyết áp dưới đây để kết quả được tốt nhất:
- Việc đo huyết áp nên tiến hành hai lần mỗi ngày vào buổi sáng sớm, sau khi thức dậy khoảng 1 giờ và vào buổi chiều.
- Không đo huyết áp khi tinh thần mệt mỏi, căng thẳng bởi nó sẽ khiến huyết áp của bạn tăng cao hơn.
- Đo huyết áp trước khi uống thuốc vì một số loại thuốc có ảnh hưởng tức thời đến huyết áp.
- Đo huyết áp vào thời điểm trước bữa ăn bởi khi ăn quá no, quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng sẽ khiến huyết áp của bạn không ổn định.
- Trước khi đo huyết áp, bạn nên đi vệ sinh vì bàng quang chứa quá nhiều nước cũng có thể khiến kết quả đo bị sai lệch.
Hướng dẫn đo huyết áp đúng cách
Khi đo huyết áp, bạn cần hiểu rõ về các loại máy đo huyết áp, tư thế cũng như các thao tác khi đo để kết quả được chính xác nhất.
Sử dụng máy đo huyết áp phù hợp
Hiện nay, có hai loại máy đo huyết áp phổ biến được nhiều người sử dụng là máy đo huyết áp bắp tay và máy đo huyết áp cổ tay. Tùy theo tình trạng sức khỏe và nhu cầu, bạn có thể lựa chọn một loại máy đo phù hợp nhất để theo dõi huyết áp cho bản thân và cả gia đình:
- Máy đo huyết áp bắp tay là thiết bị đo huyết áp phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, kể cả người già, trẻ em, người có sức khỏe yếu hay người có mạch đập yếu,… Ngoài ra, máy cũng cho kết quả với độ chính xác cao hơn so với máy đo huyết áp cổ tay.
- Máy đo huyết áp cổ tay có thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi và thích hợp cho người trẻ tuổi, trung niên, người có tình trạng bệnh chưa quá nặng hoặc người không thể sử dụng máy đo huyết áp bắp tay. Tuy nhiên, loại máy đo huyết áp này không phù hợp với người cao tuổi, người bệnh đái tháo đường và người mắc các bệnh về tim mạch.
Mỗi loại máy đo huyết áp sẽ có cách sử dụng khác nhau. Vì vậy, khi biết rõ về loại máy đo huyết áp mình đang sở hữu, bạn mới thực hiện đo huyết áp đúng và chính xác được.
Tư thế đo huyết áp đúng
Tư thế là yếu tố quan trọng quyết định sự chính xác của kết quả đo huyết áp. Nếu bạn ngồi đo sai tư thế, dù chiếc máy đo huyết áp bạn chọn tốt đến đâu, kết quả đo của bạn cũng không thể chính xác được.
Một số lưu ý về tư thế đo huyết áp:
- Lưng thẳng, tựa nhẹ vào ghế, hai chân đặt song song và vuông góc với mặt đất, lòng bàn chân chạm hẳn xuống nền.
- Hạn chế cười đùa, nói chuyện, ăn uống, tránh ngồi bắt chéo chân hay khom lưng, vì như vậy có thể làm huyết áp tăng khoảng 10mmHg.
- Chắc chắn rằng tay có vật phẳng làm điểm tựa. Bạn nên đặt phần bắp tay (nếu sử dụng máy đo huyết áp bắp tay) hoặc cổ tay (khi sử dụng máy đo huyết áp cổ tay) ngang với tim. Nếu tay đặt quá cao sẽ làm giảm chỉ số huyết áp. Ngược lại, nếu đặt tay quá thấp, chỉ số huyết áp của bạn có thể tăng cao bất thường.
Cách đo huyết áp bằng máy đo huyết áp bắp tay
Vị trí đo: Tại bắp tay.
Cách đo như sau:
- Giữ cơ thể ở tư thế đo huyết áp chuẩn.
- Để lộ phần cánh tay cần đo. Quấn vòng bít vào bắp tay đặt ngang tim, mép vòng quấn cách khủyu tay 1 – 2cm và không được quấn quá chặt.
- Cắm đầu dây nối vòng bít vào vào thân máy đo huyết áp bắp tay.
- Nhấn nút khởi động máy. Máy sẽ bắt đầu tiến hành bơm hơi vào vòng bít.
- Sau đó, máy sẽ tự động xả hơi.
- Khi quá trình xả hơi kết thúc, kết quả huyết áp sẽ hiển thị trên màn hình điện tử. Bạn có thể đọc và ghi lại kết quả đo.
- Nghỉ ngơi và đo thêm 1 – 2 lần để lấy giá trị trung bình.
Xem thêm video hướng dẫn cách đo huyết áp bằng máy đo huyết áp bắp tay:
Cách đo huyết áp bằng máy đo huyết áp cổ tay
Vị trí đo: Cổ tay.
Cách đo:
- Ngồi đo ở tư thế chuẩn, kéo cao tay áo để lộ vùng cổ tay cần đo.
- Đặt lòng bàn tay ngửa lên. Quấn vòng bít vào cổ tay cần đo sao cho đồng hồ đo ở phía mặt trong cánh tay, vòng bít cách cổ tay khoảng 1cm. Gập cánh tay một góc 45 độ để cổ tay ngang tầm tim.
- Nhấn nút khởi động máy. Vòng bít sẽ được tự động bơm hơi lên.
- Khi áp suất trong vòng bít đã đạt mức cần thiết, máy sẽ xả hơi từ từ để làm giảm áp suất.
- Sau khi quá trình xả hơi hoàn tất, trên màn hình sẽ có tín hiệu báo kết thúc và hiển thị kết quả đo.
- Đọc và ghi lại các chỉ số huyết áp. Sau đó giữ nguyên tư thế tay, đợi khoảng 2 – 3 phút rồi đo lại lần tiếp theo. Bạn nên đo 2 – 3 lần và lấy kết quả trung bình.
Xem thêm video hướng dẫn cách đo huyết áp cổ tay:
Những lưu ý bạn cần biết khi đo huyết áp tại nhà
Huyết áp rất dễ bị dao động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, khi tự đo huyết áp tại nhà, bạn cần lưu ý tới một số vấn đề sau:
- Kiểm tra thiết bị đo, luôn chắc chắn rằng thiết bị đo huyết áp đang trong trạng thái hoạt động tốt, đủ pin.
- Lựa chọn băng quấn tay có kích cỡ phù hợp để tránh gây sai lệch kết quả. Băng cuốn quá nhỏ, bó chặt vào tay có thể làm huyết áp tăng thêm 5 – 10 mmHg.
- Giữ cơ thể ở trạng thái tinh thần ổn định, thoải mái, tránh tuyệt đối căng thẳng, lo lắng. Bạn có thể hít thở sâu và thư giãn nhẹ nhàng giúp kết quả đo được đảm bảo chính xác hơn.
- Không uống đồ uống có chứa caffeine hoặc hút thuốc trong 2 giờ trước khi đo.
- Không nói chuyện, giữ im lặng trong quá trình đo.
- Ghi lại chính xác chỉ số huyết áp, bao gồm cả huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu để thuận tiện cho việc điều trị.
- Không nên thực hiện đo huyết áp liên tục trong một thời gian ngắn. Bạn nên đợi 3 – 5 phút trước khi tiếp tục đo huyết áp.
- Nếu đo huyết áp lần đầu, bạn cần đo ở cả hai tay và chọn tay có chỉ số huyết áp cao hơn.
- Nếu kết quả huyết áp tăng cao đột ngột, bạn có thể nghỉ ngơi 20 phút rồi đo lại. Nếu huyết áp vẫn tiếp tục tăng, bạn nên tái khám ngay lập tức để có phương án điều trị hợp lý.
Đo huyết áp là rất cần thiết. Nhưng nếu đo không đúng cách, không đúng thời điểm thì kết quả đo rất dễ xảy ra sai lệch. Thậm chí, nếu dựa vào kết quả đo sai để tự ý điều trị hay sử dụng thuốc bừa bãi, hậu quả để lại sẽ còn nguy hại hơn nhiều. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về cách đo huyết áp để chăm sóc tốt cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279251/
- https://www.health.harvard.edu/heart-health/tips-to-measure-your-blood-pressure-correctly
- https://www.healthline.com/health/how-to-check-blood-pressure-by-hand#manually