Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng cao huyết áp kéo dài có thể gây suy thận và ngược lại, thận bị tổn thương cũng khiến huyết áp tăng cao, khó kiểm soát. Vậy thực chất cơ chế tác động qua lại giữa cao huyết áp và suy thận là gì? Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả vấn đề này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Mục lục
Thế nào là cao huyết áp?
Cao huyết áp là bệnh lý mạn tính trong đó áp lực máu tác động lên thành động mạch tăng cao hơn so với bình thường.
Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, trị số huyết áp tối ưu ở người bình thường là dưới 120/80 mmHg. Nếu trị số huyết áp luôn tăng cao hơn 140/90 mmHg thì được coi là tình trạng cao huyết áp.
Cao huyết áp không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhưng lại có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh, đặc biệt là các nguy cơ tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Suy thận là gì?
Thận là cơ quan quan trọng của hệ tiết niệu đảm nhiệm chức năng chính là lọc máu, đào thải các chất độc, chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, thận còn tham gia vào giữ cân bằng nước, điện giải, sản xuất một số hormone quan trọng cho cơ thể như renin (điều hòa huyết áp), erythropoietin (EPO) kích thích tủy xương tăng tạo hồng cầu và hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn.
Suy thận là tình trạng suy giảm, mất chức năng của thận.
Trong trường hợp suy thận cấp, các chức năng này chỉ mất tạm thời và có thể hồi phục nếu được điều trị tích cực. Tuy nhiên, chức năng thận sẽ suy giảm không hồi phục trong suy thận mạn tính.
Suy thận tiến triển nặng có thể gây tích tụ nước, các chất điện giải, các chất thải nguy hiểm trong cơ thể và gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh.
Mối quan hệ giữa cao huyết áp và suy thận
Trong cơ thể, thận cùng hệ tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết, phụ thuộc và hỗ trợ lẫn nhau để hoạt động tốt, giúp cơ thể phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Thận có chức năng lọc, loại bỏ các chất thải cũng như chất lỏng dư thừa trong máu. Trong khi đó, máu từ các động mạch, mao mạch sẽ mang đến thận những tế bào hồng cầu giàu oxy và chất dinh dưỡng để cung cấp cho các hoạt động của thận.
Chính vì vậy, khi xuất hiện bất kỳ tổn thương nào ở một trong hai cơ quan này đều sẽ gây tác động xấu đến cơ quan còn lại, hình thành một vòng tuần hoàn bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe.
Cao huyết áp gây suy thận
Ở người bệnh cao huyết áp, áp lực máu tăng cao thường xuyên, lượng máu lưu thông trong lòng mạch tăng khiến các mạch máu giãn ra. Tình trạng này kéo dài sẽ làm hệ thống mạch máu trong cơ thể yếu dần đi, các mạch máu bị xơ cứng, mất khả năng đàn hồi và thu hẹp lại.
Hậu quả là sự cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận bị cản trở. Theo đó, số lượng hồng cầu được vận chuyển đến thận sẽ giảm dần. Các tế bào ở thận không được nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, không đủ năng lượng để hoạt động sẽ từ từ thoái hóa và chết đi.
Số lượng tế bào chức năng thận suy giảm sẽ kéo theo khả năng lọc máu, loại bỏ chất độc, cân bằng nước, điện giải, sản xuất hormone của thận cũng giảm theo. Khi có quá nhiều động mạch ở thận bị tổn thương và ngừng hoạt động do huyết áp cao, suy thận sẽ xảy ra.
Suy thận khiến huyết áp tăng cao, khó kiểm soát
Khi chức năng thận bị suy giảm, chức năng lọc máu của thận bị cản trở. Thận không thể đào thải nước, các chất độc và chất điện giải ra khỏi cơ thể. Điều này gây ứ nước, làm tăng thể tích máu, tăng áp lực máu tác động lên thành mạch và dẫn đến huyết áp tăng cao hơn.
Bên cạnh đó, thận còn có vai trò điều hòa huyết áp thông qua các hormone sản xuất tại thận. Khi các mạch máu đến thận bị tổn thương do huyết áp cao kéo dài, lưu lượng máu đến thận giảm, kích thích tăng tiết các hormone renin, angiotensin và aldosteron. Hậu quả là thận tăng giữ muối, nước và càng làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp.
Như vậy, có thể kết luận rằng, cao huyết áp vừa là nguyên nhân, vừa là biến chứng của suy thận. Hai tình trạng này bổ sung cho nhau khiến tăng huyết áp tiến triển nặng nề hơn, đồng thời dẫn đến suy thận mạn tính nghiêm trọng.
Biểu hiện suy thận ở bệnh nhân cao huyết áp
Suy thận thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi bệnh đã tiến triển. Do vậy, nếu bạn đang bị cao huyết áp và có một trong các biểu hiện tổn thương thận dưới đây, bạn cần đến các trung tâm y tế sớm để được kiểm tra kịp thời:
- Thay đổi khi đi tiểu: tiểu nhiều về đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu nhợt, màu tối, nước tiểu có máu, tiểu khó, cảm giác căng tức khi đi tiểu,…
- Phù: phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt…
- Mệt mỏi và suy nhược.
- Ngứa nhiều.
- Buồn nôn và nôn.
- Thở nông, khó thở.
- Hơi thở có mùi amoniac.
- Ớn lạnh.
- Hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung.
- Đau lưng hoặc cạnh sườn.
Chẩn đoán suy thận ở bệnh nhân cao huyết áp như thế nào?
Nếu bạn bị cao huyết áp thì nguy cơ dẫn đến suy thận là khá cao. Vì vậy, bạn nên đến các cơ sở y tế thăm khám thường xuyên để đánh giá chức năng thận và các cơ quan khác trong cơ thể.
Để chẩn đoán suy thận ở bệnh nhân cao huyết áp, bên cạnh việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm ure và creatinin trong máu để đánh giá mức độ lọc của thận, từ đó xác định được mức độ suy thận để lựa chọn được phác đồ điều trị phù hợp.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu giúp xác định có hồng cầu hay protein trong nước tiểu hay không.
- Siêu âm thận: Mục đích để xác định thận có vấn đề bất thường gì về cấu trúc, kích thước hoặc có sự tắc nghẽn tại thận hay không.
Phòng ngừa suy thận ở người bệnh cao huyết áp
Suy thận do tăng huyết áp không có cách điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, cơ chế cao huyết áp gây suy thận cần một thời gian rất dài để phát triển. Do đó, bạn vẫn còn cơ hội để phòng ngừa biến chứng này bằng cách kiểm soát, duy trì tốt huyết áp ở giới hạn bình thường thông qua các biện pháp dưới đây.
Biện pháp không dùng thuốc
- Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày: Người bệnh cao huyết áp chỉ nên dùng 5 – 6g muối mỗi ngày (tương đương với một thìa cà phê muối).
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm ít chất béo.
- Tăng cường tập luyện thể dục hàng ngày: Chế độ tập luyện tối ưu là tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn 5 – 7 ngày trong tuần.
- Hạn chế dùng các chất kích thích như rượu bia: Nam < 14 đơn vị/ tuần và nữ < 8 đơn vị/ tuần (1 đơn vị tương đương 250ml bia hoặc 125ml rượu vang).
- Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
- Nếu bạn bị thừa cân, hãy giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp với vóc dáng.
- Nghỉ ngơi điều độ, tránh lo âu, căng thẳng, stress.
Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp
Bên cạnh việc thay đổi lối sống lành mạnh, để kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu tối ưu, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thêm các loại thuốc hạ huyết áp.
Các nhóm thuốc hạ huyết áp chính hiện nay:
☛ Nhóm thuốc lợi tiểu.
☛ Nhóm thuốc tác động lên thần kinh giao cảm:
- Thuốc ức chế giao cảm trung ương.
- Thuốc chẹn α giao cảm.
- Thuốc chẹn β giao cảm.
☛ Nhóm thuốc giãn mạch:
- Thuốc giãn mạch trực tiếp.
- Thuốc chẹn kênh canxi.
- Thuốc ức chế men chuyển.
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Những loại thuốc cao huyết áp phổ biến nhất hiện nay
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp:
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.
- Thực hiện điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng thuốc đều đặn mỗi ngày, đúng giờ, đúng liều lượng.
- Không tự ý thay đổi liều hay ngừng thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ, ngay cả khi trị số huyết áp đã về mức bình thường.
- Báo ngay cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy các phản ứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc.
- Duy trì điều trị lâu dài để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Để phòng ngừa nguy cơ suy thận do tăng huyết áp, việc theo dõi huyết áp thường xuyên rất cần thiết. Nhờ đó, bạn có thể phát hiện sớm những thay đổi bất thường của chỉ số huyết áp và có biện pháp xử trí thích hợp.
Đồng thời, theo dõi huyết áp cũng hỗ trợ quá trình điều trị thuận lợi hơn và phản ánh phương pháp điều trị bạn đang thực hiện có hiệu quả hay không.
Ngoài ra, khi bạn bị cao huyết áp và có nguy cơ suy thận mắc kèm, bạn cần thăm khám sức khỏe thường xuyên theo yêu cầu của bác sĩ.
Kiểm tra định kỳ vừa giúp bạn kiểm soát tốt bệnh lý cao huyết áp của mình, vừa giúp bạn phát hiện sớm các tổn thương tại thận nếu có. Điều này sẽ giúp bạn xác định được hướng điều trị và phòng ngừa các biến chứng phù hợp và kịp thời nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410
- https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/hypertension-related-kidney-disease
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-kidney-disease/symptoms-causes/syc-20354521