Huyết áp thấp hay hạ huyết áp là chứng bệnh không còn xa lạ trong cuộc sống của chúng ta, chứng bệnh này có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi hay giới tính nào. Tuy nhiên nói đến hạ huyết áp thì hạ huyết áp thế đứng là trường hợp phổ biến nhất. Vậy thế nào là hạ huyết áp thế đứng, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa của chứng bệnh này như thế nào? Các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Hạ huyết áp thế đứng là gì?
Tim bơm máu đi khắp cơ thể thông qua hệ thống mạch máu và huyết áp là thước đo lực của máu trên thành động mạch đi máu được bơm qua chúng. Đơn vị đo huyết áp là mmHg (milimet thủy ngân). Có hai chỉ số huyết áp đó là:
- Huyết áp tâm thu (chỉ số trên) là áp lực máu lên thành động mạch khi tim co bóp và đẩy máu vào động mạch
- Huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) là áp lực máu lên thành động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa hai lần co bóp
Chỉ số huyết áp tâm thu là 120 mmHg và tâm trương là 80 mmHg hay 120/80 mmHg được coi là huyết áp bình thường.
Hạ huyết áp hoặc huyết áp thấp xảy ra khi áp lực của máu trong động mạch giảm dưới mức bình thường và chỉ số huyết áp thấp hơn 90/60 mmHg.
Hạ huyết áp thế đứng hay hạ huyết áp tư thế là một dạng của hạ huyết áp xảy ra khi đứng lên từ ngồi hoặc nằm. Những người bị hạ huyết áp thế đứng thường bị tụt huyết áp khoảng 20/10 mmhg trong vòng 3 phút sau khi đứng lên.
Hạ huyết áp thế đứng phổ biến ở những người có độ tuổi từ 65 trở lên vì khi già đi huyết áp của cơ thể sẽ phản ứng chậm hơn. Theo một nghiên cứu của Trung tâm thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ thì có đến 18% nam giới và phụ nữ trên 65 tuổi ở nước này bị mắc chứng hạ huyết áp thế đứng
Nguyên nhân dẫn đến hạ huyết áp thế đứng
Cơ thể mất nước là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hạ huyết áp thế đứng. Mất nước có thể do tiêu chảy, nôn mửa hoặc là sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu…
Mất máu, thiếu máu và các tình trạng khác dẫn đến số lượng hồng cầu trong máu thấp cũng là nguyên nhân gây nên hạ huyết áp thế đứng vì khi lượng hồng cầu thấp, oxy cung cấp cho các tế bào bị thiếu dẫn đến hoa mắt, chóng mặt
Một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm cũng có thể kích hoạt các triệu chứng liên quan đến hạ huyết áp thế đứng. Ngoài ra tập thể dục hoặc làm việc trong thời tiết nóng hay nằm quá lâu cũng dẫn đến tình trạng hạ huyết áp thế đứng
Bệnh Parkinson, mang thai và các bệnh tim mạch như nhịp tim không đều, hở van tim cũng là nguyên nhân gây nên hạ huyết áp thế đứng
Các vấn đề nội tiết như suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận, đường máu thấp, tiểu đường… cũng khiến chúng ta bị hạ huyết áp thế đứng
Triệu chứng khi bị huyết áp thấp thế đứng
Các triệu chứng của huyết áp thấp thế đứng bao gồm:
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Hoa mắt
- Ngất xỉu
- Té ngã
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
Những triệu chứng này sẽ biến mất khi cơ thể từ từ điều chỉnh đến tư thế thẳng đứng hoặc ngồi/nằm nghỉ trong vài phút.
Nên lưu ý nếu ai gặp phải các triệu chứng này thường xuyên thì nên đến gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân vì có thể đây là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn
Chẩn đoán huyết áp thấp thế đứng
Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào như ở trên thì bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh của bạn sau đó sẽ tiến hành các xét nghiệm để tìm hiểu xem có căn bệnh tiềm ẩn nào khác gây nên các triệu chứng này hay không.
Ngoài ra nếu xem xét các loại thuốc mà bạn đang dùng có loại nào đó gây tụt huyết áp thì các bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng hoặc đề nghị đổi sang loại thuốc khác
Xét nghiệm bằng cách nghiêng đầu (một người đang nằm trên bàn sẽ từ từ nghiêng lên) sẽ giúp bác sĩ kiểm tra được huyết áp của cơ thể phản ứng như thế nào khi thay đổi tư thế.
Xét nghiệm máu có thể cho thấy lượng đường trong máu thấp hoặc lượng hồng cầu ít, cả hai dấu hiệu này đều cảnh báo huyết áp thấp
Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) giúp theo dõi các tín hiệu điện của tim từ đó phát hiện ra sự bất thường trong nhịp tim và các vẫn đề liên quan đến việc cung cấp oxy và máu cho tim – có thể là nguyên nhân dẫn đến hạ huyết áp thế đứng
Siêu âm tim bằng các sóng âm có thể phát hiện ra các rối loạn tiềm ẩn
Một bài kiểm tra căng thẳng được tiến hành trong đó các bác sĩ theo dõi tim trong khi người đó tập thể dục hoặc sau khi dùng thuốc nhằm tìm ra các bất thường trong nhịp tim hoặc huyết áp
Một số biến chứng có thể gặp phải khi bị huyết áp thấp thế đứng
Một số biến chứng phổ biến của hạ huyết áp thế đứng là mất ý thức, ngất xỉu, ngã gây chấn thương nghiêm trọng
Các triệu chứng của bệnh có thể ẩn dấu tình trạng nghiêm trọng hơn như suy tim và các vấn đề về nhịp tim
Huyết áp giảm đột ngột do hạ huyết áp thế đứng là nguy cơ dẫn đến đột quỵ do lượng máu cung cấp cho não giảm
Điều trị và phòng ngừa hạ huyết áp thế đứng
Uống nhiều nước: cần bổ sung nước ngay lập tức nếu cơ thể bị tiêu chảy, nôn mửa.. vì mất nước dễ dẫn đến hạ huyết áp. Ngoài ra nên hạn chế uống rượu vì rượu làm hạ huyết áp thế đứng.
Bổ sung muối trong trong bữa ăn: Natri trong muối có tác dụng tăng huyết áp, mặc dù vậy các bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có thể biết lượng phù hợp cho mỗi cá nhân vì thể trạng của mỗi người là khác nhau
Hạn chế hoạt động quá sức trong thời tiết nắng nóng
Kê cao đầu khi ngủ giúp máu lưu thông tốt hơn, hạn chế hạ huyết áp thế đứng
Khi ra khỏi giường thì nên ngồi ở mép giường một vài phút rồi hãy từ từ đứng lên, tránh đứng lên đột ngột
Sử dụng tất nén thúc đẩy lưu thông và ngăn máu chảy dồn nhiều vào chân
Ngoài ra với các trường hợp hạ huyết áp thế đứng nghiêm trọng thì có thể dùng thuốc để điều trị
Trên đây là một số thông tin về chứng hạ huyết áp thế đứng, hi vọng những thông tin này hữu ích với những ai đang và có nguy cơ mắc chứng bệnh này.
Nguồn tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/318158.php
https://www.medicalnewstoday.com/articles/159609.php