Khi mang thai cơ thể người phụ nữ sẽ thay đổi rất nhiều, không chỉ về thay dổi về ngoại hình mà còn mà còn thay đổi cả tâm sinh lý. Khi đó lượng hooc môn trong cơ thể mẹ bầu thay đổi ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu và điều này có thể làm giảm huyết áp. Tình trạng giảm huyết áp ở mẹ bầu thường gặp trong tháng thứ nhất và thứ hai của thai kỳ. Các mẹ đang lo lắng không biết bị huyết áp thấp khi mang thai có nguy hiểm và cách khắc phục tình trạng này như thế nào? Vậy hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này qua những thông tin dưới đây nhé.
Mục lục
- Thế nào là huyết áp thấp?
- Huyết áp khi mang thai bao nhiêu là bình thường?
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết áp thấp khi mang thai
- Triệu chứng huyết áp thấp khi mang thai
- Điều trị huyết áp thấp khi mang thai
- Các biện pháp khắc phục huyết áp thấp tại nhà
- Trường hợp nào bị huyết áp thấp khi mang thai cần đến gặp bác sĩ
- Những rủi ro có thể gặp phải nếu bị huyết áp thấp khi mang thai
Thế nào là huyết áp thấp?
Huyết áp thấp là tình trạng huyết áp giảm xuống dưới 90/60 mmHg, tức là chỉ số huyết áp tâm thu (số trên) nhỏ hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (số dưới) nhỏ hơn 60 mmHg đo được khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi. Huyết áp tâm thu là áp lực trong lòng động mạch khi tim co bóp và đẩy máu, huyết áp tâm trương là áp lực trong lòng động mạch khi tim nghỉ giữa hai lần bóp. Huyết áp thấp làm cho thể tích máu giảm đi vì co mạch gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người mắc.
Huyết áp khi mang thai bao nhiêu là bình thường?
Khi mang thai, huyết áp là biểu hiện sức khỏe của cả mẹ và bé, dù thấp hay cao hơn bình thường cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.Các bác sĩ sẽ sử dụng các chỉ số huyết áp này để chẩn đoán bất kỳ vấn đề tiềm ẩn hoặc các biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ.
Theo hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, huyết áp bình thường ở người lớn là 120/80 mmHg, dưới mức này có thể được coi là huyết áp thấp. Huyết áp thấp khi mang thai được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp nhỏ hơn 90/60 mmHg.
Trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, mẹ bầu có thể thấy huyết áp giảm, tình trạng này sẽ duy trì trong suốt 2 tháng đầu thai kỳ và tăng trở lại bình thường vào tháng thứ 3. Ngoài ra các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng huyết áp sau khi sinh để xem xét các biến chứng sau khi mang thai.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết áp thấp khi mang thai
Khi mang thai cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều nhằm thích nghi với viêc tạo ra em bé. Đặc biệt khi mang thai, lượng máu lưu thông trong cơ thể sẽ tăng hơn bình thường để đảm bảo đủ cung cấp cho thai nhi. Đây chính là “thủ phạm” chính dẫn đến tình trạng tụt huyết áp khi mang thai. Ngoài ra mang thai đôi, tiền sử bệnh hoặc do cung cấp không đủ vitamin B12, axit folic cũng góp phần gây nên tình trạng huyết áp thấp khi mang thai. Chính vì vậy các mẹ bầu cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe trong tất cả giai đoạn của thai kỳ để theo dõi những bất thường của huyết áp.
Lưu ý rằng huyết áp sẽ thay đổi một chút tùy thuộc vào thể trạng, sự hồi hộp, căng thẳng và lối sống của các mẹ bầu. Ngoài ra huyết áp cũng có thể tăng giảm tùy theo thời gian trong ngày, vì vậy để xác định xem mình có bị huyết áp thấp khi mang thai hay không, mẹ bầu cần đo huyết áp thường xuyên.
Huyết áp của các mẹ bầu có thể thấp hơn trong khoảng 24 tuần đầu của thai kỳ, điều này được gây nên bởi hệ thống tuần hoàn vì khi đó các mạch máu sẽ mở rộng để cho máu chảy đến tử cung.
Ngoài ra một số yếu tố được coi là góp phần gây nên huyết áp thấp ở phụ nữ mang thai bao gồm:
- Phản ứng dị ứng
- Nhiễm trùng
- Nghỉ ngơi quá dài
- Cơ thể mất nước hoặc suy dinh dưỡng
- Cháy máu trong
- Thiếu máu
- Mắc bệnh tim
- Bị rối loạn nội tiết
Sử dụng một số loại thuốc cũng có thể làm giảm huyết áp vì vậy các mẹ khi mang thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng một loại thuốc nào đó.
Huyết áp thấp cũng có thể là dấu hiệu của biến chứng thai kỳ sớm, chẳng hạn như mang thai ngoài tử cung…
Triệu chứng huyết áp thấp khi mang thai
Huyết áp thấp khi mang thai không phải là chứng bệnh quá nguy hiểm, tuy nhiên chúng lại mang đến những phiền toái và làm giảm chất lượng cuộc sống của các mẹ bầu. Khi bị huyết áp thấp, các mẹ bầu sẽ có các triệu chứng như:
- Chóng mặt, buồn nôn
- Chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt là sau khi đứng dậy nhanh chóng
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày
- Cảm thấy khó thở, thở gấp, hơi thở nóng
- Luôn cảm thấy khát nước ngay cả khi vừa uống xong
- Da lạnh, nhợt nhạt
- Gặp các vấn đề về thị lực như hoa mắt, mờ mắt
- Lúc nào cũng có cảm giác phiền muộn, lo lắng
Khi gặp phải các triệu chứng như trên thì các mẹ nên đến gặp bác sĩ để làm các xét nghiệm đảm bảo ràng các triệu chứng này là do huyết áp thấp chứ không phải là do những nguyên nhân tiềm ẩn khác gây nên.
Điều trị huyết áp thấp khi mang thai
Thường thì không có điều trị y tế nào cho những mẹ bầu bị huyết áp thấp trong thai kỳ, tuy nhiên các mẹ có thể thử một số phương pháp khắc phục huyết áp thấp tại nhà nhằm giảm bớt các triệu chứng khó chịu mà chứng bệnh này mang lại. Huyết áp sẽ trở lại bình thường vào khoảng tháng thứ 3 của thai kỳ.
Mặc dù vậy cũng có nhiều trường hợp mẹ bầu trải qua các đợt huyết áp thấp bất thường và phải dùng đến thuốc. Việc dùng thuốc này cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và những điều kiện gây ra huyết áp thấp như thiếu máu, mất cân bằng nội tiết sẽ được điều trị trước tiên.
Ngoài ra nếu các bác sĩ nghi ngờ rằng một loại thuốc nào đó mà mẹ bầu đang sử dụng gây ra tình trạng huyết áp thấp thì họ sẽ cung cấp một loại khác thay thế.
Các biện pháp khắc phục huyết áp thấp tại nhà
Thay vì điều trị y tế, đa số các mẹ bầu chọn giải pháp khắc phục huyết áp thấp tại nhà, những phương pháp này giúp họ giảm bớt được những phiền toái mà chứng bệnh này gây ra:
Chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt khoa học
Để đối phó với huyết áp thấp khi mang thai, điều quan trọng là phải thực hiện mọi thứ một cách từ từ. Không nên vận động cơ thể một cách nhanh chóng, đột ngột, đặc biệt là mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, cũng cần hạn chế đứng một chỗ trong một thời gian dài vì dễ khiến máu tụ xuống chân, gây chóng mặt, tụt huyết áp
Phụ nữ mang thai cần được nghỉ ngơi thường xuyên, khi ngủ nghỉ nên chọn tư thế nằm nghiêng về bên trái để tăng lượng máu lưu thông đến tim, giúp huyết áp ổn định, và tránh các hoạt động nặng, hoạt động quá sức gây mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến tụt huyết áp. Ngoài ra nên mặc quần áo rộng, thoải mái, tránh các loại quần áo bó chật làm máu khó lưu thông.
Khi mang thai bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên với các động tác nhẹ nhàng hoặc chọn những môn thể thao như bơi lội. đi bộ, yoga… để duy trì huyết áp luôn ở mức ổn định.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Khi mang thai, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ phụ nữ thường có triệu chứng ốm nghén, nôn mửa, điều này làm cơ thể bị mất nước dẫn đến tình trạng tụt huyết áp. Nếu lượng nước trong cơ thể mẹ không được bổ sung kịp thời, nó sẽ làm nghẽn sự vận chuyển máu vào bào thai. Vì vậy trong thời gian này mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nước sôi để nguội hoặc các loại sinh tố, trà thảo mộc…
Có chế độ ăn khoa học, hợp lý
Các mẹ bầu bị huyết áp thấp có thể chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày thay vì các bữa lớn, như vậy sẽ giảm áp lực cho hệ tiêu hóa dẫn đến hạn chế tụt huyết áp.
Chế độ ăn cần đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng như những loại rau củ quả giàu xơ, sắt, vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe…tránh xa các loại đồ uống có caffein và thức uống có cồn, chất kích thích trong suốt thai kỳ để cơ thể khỏe mạnh, giảm các triệu chứng mà huyết áp thấp gây ra.
Lời khuyên là luôn mang theo bánh, kẹo hoặc đồ ngọt bên người để tránh tình trạng ngất xỉu do hạ đường huyết đột ngột, có thể gây nguy hiểm đến thai nhi và mẹ bầu
Ngoài ra các mẹ có thể bổ sung thêm muối cho các bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên lượng muối thêm như thế nào thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng vì thể trạng của mỗi người khác nhau thì lượng thêm cũng khác nhau.
Những mẹ bầu bị huyết áp thấp thì tuyệt đối không bỏ bữa, nhất là bữa sáng vì khoảng cách giữa các bữa quá xa, dẫn đến giảm hàm lượng đường máu. Thói quen hnày làm giảm trương lực (sự đàn hồi, sự dẻo dai) của mạch máu, và kết quả là tụt huyết áp.
Đo huyết áp thường xuyên:
Theo dõi huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý do huyết áp gây ra, đặc biệt những bà bầu có tiền sử cao huyết áp hay huyết áp thấp nên có một máy đo huyết áp trong nhà để theo dõi huyết áp và nhịp tim hàng ngày, nếu có bất thường cần nhanh chóng đến thăm khám tại các trung tâm y tế uy tín.
Khi đến các trung tâm y tế hay các bệnh viện lớn bạn sẽ rất dễ bắt gặp những chiếc máy đo huyết áp OMRON. Đây là sản phẩm lý tưởng cho mọi gia đình nhờ tính năng ưu việt, công nghệ hiện đại, kết quả đo có độ chính xác cao, an toàn và tiện dùng khi sử dụng nên đang được rất nhiều cá nhân tin dùng.
Ngoài ra, máy đo huyết áp Omron còn rất dễ sử dụng, kết quả hiển thị rõ ràng nên phù hợp để kiểm tra thông số huyết áp tại nhà.
Trường hợp nào bị huyết áp thấp khi mang thai cần đến gặp bác sĩ
Huyết áp thấp là bình thường trong những tháng đầu khi mang thai, tuy nhiên khi gặp những trường hợp sau thì mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để có những lời khuyên và phương pháp điều trị thích hợp nhất:
- Mẹ bầu thường xuyên bị chóng mặt, ngất xỉu
- Bị chóng mặt kèm theo đau đầu dữ dội, hoa mắt và khó thở
- Đau ngực hoặc cảm giác tê yếu một bên cơ thể
- Mẹ bầu có tiền sử huyết áp thấp
- Tình trạng huyết áp thấp vẫn diễn ra đến tháng thứ 3 của thai kỳ
Những rủi ro có thể gặp phải nếu bị huyết áp thấp khi mang thai
Một trong số những rủi ro chính mà mẹ bầu gặp phải khi bị huyết áp thấp đó là ngã do ngất. Chẳng hạn đứng dậy đột ngột sau khi ngồi sẽ gây tụt huyết áp dẫn đến ngất và ngã, điều này rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi trong bụng
Huyết áp thấp nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc hoặc tổn thương các cơ quan nội tạng, nó khiến máu không lưu thông được đến thai nhi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của em bé
Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng trong một số ít các trường hợp, huyết áp thấp liên tục khi mang thai có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của thai kỳ trong đó bao gồm cả trường hợp thai chết lưu.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách khắc phục tại nhà,… của chứng huyết áp thấp khi mang thai, hi vọng những thông tin này sẽ giúp cho các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/320303.php
https://www.medicalnewstoday.com/articles/159609.php