Bạn đọc đâu đó thấy rằng một trong những đối tượng cần thận trọng khi nhổ răng là người cao huyết áp. Vậy thực hư là như thế nào, người bị huyết áp cao có nhổ răng được không? Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Người bị cao huyết áp có nhổ răng được không?
Nhổ răng là một thủ thuật nha khoa xâm lấn có nguy cơ gây ra các biến chứng. Vì vậy, bất cứ những tác động nào trong quá trình này như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim… cũng làm tăng tỷ lệ xuất hiện những sự cố không đáng có. Vì vậy, nhiều người bị mắc bệnh lý nền như cao huyết áp cần đặc biệt chú ý, xem xét trường hợp của mình có thực hiện nhổ răng được không.
Để xác định một đối tượng có nhổ răng được hay không cần xác định 2 mặt lợi ích và nguy cơ. Khi lợi ích của việc nhổ răng lớn hơn nhiều so với những mối nguy có thể xảy ra thì bạn nên tiến hành nhổ răng. Ngược lại, nếu nguy cơ gây hại lớn thì bạn không nên thực hiện.
Đầu tiên, việc nhổ răng ở người tăng huyết áp có những bất lợi nào?
– Thuốc gây tê để nhổ răng ảnh hưởng tới huyết áp: Trong khi đó, gây tê là một phần quan trọng trong nhổ răng, đặc biệt là răng hàm. Việc này ngăn ngừa mọi cơn đau giúp mang lại cảm giác thoải mái tối đa trong khi thực hiện. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc gây tê chứa adrenalin có tác dụng co mạch, dẫn đến tăng huyết áp. Điều này làm tăng huyết áp đột ngột có thể gây nguy hại như dẫn đến đột quỵ.
– Việc chảy máu trong khi nhổ răng có thể nguy hiểm ở người tăng huyết áp: Việc chảy máu trong nướu và xương khi nhổ răng là không thể tránh khỏi. Điều này có thể gây bất lợi ở người bị huyết áp tăng. Bởi áp lực máu cao (huyết áp tâm trương) tạo một áp lực lớn bất thường gây phá hủy cục máu đông có tác dụng cầm máu. Bên cạnh đó, khi sử dụng chất gây tê ở người tăng huyết áp, bệnh nhân có thể bị chảy máu nhiều hơn trong khi nhổ răng.
– Căng thẳng gây tăng huyết áp: Rất nhiều trường hợp cảm thấy lo lắng, căng thẳng trước và trong khi nhổ răng. Khi cơ thể bị căng thẳng sẽ kích thích tuyến thượng thận sản sinh nhiều lượng adrenalin hơn bình thường. Loại hormon này gây co mạch khiến huyết áp tăng cao hơn. Bên cạnh đó, căng thẳng cũng khiến mạch máu co lại, tim đập nhanh hơn.
Ngoài ra, tăng huyết áp cũng ảnh hưởng tới việc chữa lành vết thương sau khi nhổ răng. Huyết áp không được kiểm soát sẽ hạn chế việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho mao mạch và tĩnh mạch, từ đó giảm khả năng tái tạo, chữa lành các tế bào. Trong khi đó, khoang miệng là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất trong cơ thể, nếu không lành vết nhổ răng nhanh, nó có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Thứ hai, việc nhổ răng ở người cao huyết áp có lợi gì?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến một người có mong muốn nhổ răng như răng bị bệnh lý về tủy, sâu răng nặng, răng lung lay, răng khôn mọc lệch, mọc ngầm gây biến chứng… Bởi tình trạng này dẫn đến những cơn đau kéo dài, ảnh hưởng tới việc lo lắng. Việc nhổ răng có thể chấm dứt hoàn toàn cảm giác khó chịu này.
Như vậy, những người cao huyết áp xuất hiện những cơn đau khó chịu, chấp nhận những bất lợi thì việc nhổ răng vẫn được chỉ định.
Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ nhiều người bị cao huyết áp CÓ THỂ nhổ răng an toàn nếu kiểm soát được huyết áp trong giới hạn cho phép tuy rằng có nhiều thách thức hơn người khoẻ mạnh.
Nhổ răng được thực hiện khi mạch từ 60 – 90 lần/phút, huyết áp tâm trương từ 60 – 90 mmHg và huyết áp tâm thu từ 90 – 140mmHg. Ở một số bệnh nhân lớn tuổi, đang điều trị cao huyết áp có thể chấp nhận được khi huyết áp dưới 150/90 mmHg.
Việc nhổ răng được xem là chống chỉ định nếu huyết áp tâm trương cao trên 100mmHg, ngay cả với trường hợp tiểu phẫu chỉ nhổ những răng dễ như răng cửa. Ngoài ra, nếu các bác sĩ kiểm tra huyết áp trước khi thực hiện thấy tăng đột ngột thì nhổ răng cũng phải tạm dừng ngay lập tức dù huyết áp đã được kiểm soát tốt trong những ngày trước đó. Chỉ tiếp tục thực hiện nhổ răng khi huyết áp trong giới hạn cho phép.
2. Những lưu ý cho người cao huyết áp để nhổ răng an toàn
Để ca nhổ răng ở người cao huyết áp diễn ra an toàn, cần lưu ý những thông tin dưới đây:
2.1. Lựa chọn cơ sở nhổ răng uy tín
Điều đầu tiên cũng là điều quan trọng nhất là bạn nên chọn nhổ răng tại bệnh viện, hay cơ sở nha khoa uy tín. Bác sĩ nha khoa kết hợp với bác sĩ tim mạch chuyên khoa phải có kế hoạch điều trị toàn diện để ngăn ngừa các biến chứng xảy ra trong khi nhổ răng.
– Trước khi nhổ răng, đặc biệt là những chiếc răng hàm, người tăng huyết áp có thể được chỉ định thực hiện một số kỹ thuật như chụp x-quang, xét nghiệm công thức máu, đo huyết áp… Đồng thời cần lấy cao răng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ để làm giảm tối đa lượng vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Nhiều trường hợp có thể sử dụng kháng sinh dự phòng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
– Trong quá trình nhổ răng, người tăng huyết áp được sử dụng thuốc gây tê không có chất co mạch adrenalin. Với trường hợp này có thể thay thế bằng thuốc tê mepivacain 3% (có tác dụng chống co mạch tốt hơn lidocain nhiều). Đồng thời, người nhổ răng luôn cần quan sát tình trạng toàn thân như mệt mỏi, tăng huyết áp, đau… trong khi làm thủ thuật.
Xây dựng biện pháp tại chỗ để xử lý những biến chứng có thể xảy ra như: khâu huyệt ổ răng, chuẩn bị những chế phẩm cần thiết để cầm máu tại chỗ như nước súc miệng transamin 5%…
2.2. Uống thuốc huyết áp đều đặn trước khi nhổ răng
Sau khi thăm khám, thực hiện những xét nghiệm đầy đủ các bác sĩ sẽ hẹn lịch để nhổ răng. Trong khoảng thời gian này, những người bị cao huyết áp cần uống thuốc đều đặn mỗi ngày theo như chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để đảm bảo huyết áp trong giới hạn cho phép.
Thông thường, người cao huyết áp sẽ được chỉ định nhổ răng trong buổi sáng sau khi đã uống thuốc điều trị huyết áp và trong trạng thái khỏe mạnh, tỉnh táo.
2.3. Giữ tinh thần thoải mái trước và trong khi nhổ
Căng thẳng như đã biết là một trong những nguyên nhân làm tăng huyết áp khiến các biến chứng có tỷ lệ xảy ra cao hơn. Vì vậy, khi lựa chọn được địa chỉ nhổ răng uy tín, uống thuốc kiểm soát huyết áp đều đặn mỗi ngày rồi thì người tăng huyết áp cũng yên tâm hơn khi nhổ răng.
Vào buổi tối trước khi thực hiện, người đi nhổ răng nên ngủ sớm, giữ tinh thần thoải mái và tỉnh táo vào ngày hôm sau. Không nên sử dụng đột ngột bất cứ loại thuốc an thần nào, đặc biệt với người cao tuổi nếu không ngủ được. Vì vậy, người tăng huyết áp cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc có thể sử dụng trước khi nhổ răng.
Trong khi nhổ răng, người huyết áp cao phải trấn an tinh thần, giữ tinh thần thoải mái trong khi nhổ để duy trì huyết áp trong giới hạn cho phép. Đồng thời, đối tượng này cũng nên có người đi cùng để có tâm trạng tốt hơn.
Đọc thêm: 4 phương pháp cải thiện căng thẳng cho người cao huyết áp
2.4. Chăm sóc răng miệng sau khi nhổ răng
Bên cạnh việc uống thuốc kháng sinh sau khi nhổ răng để ngăn ngừa nhiễm trùng, người tăng huyết áp cũng cần vệ sinh răng miệng và chăm sóc vùng nhổ răng đúng cách. Mỗi ngày, vẫn phải đảm bảo chải răng 2 lần, nhẹ nhàng ở chỗ nhổ răng. Bên cạnh đó là sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng để tăng cường bảo vệ khả năng làm sạch.
Người cao huyết áp cần theo dõi tình trạng xuất huyết. Nếu chảy máu nhưng nước bọt vẫn trong có thể giải quyết bằng cách chườm lạnh, ngậm nước đá, cám gạo… Nhưng nếu chảy máu nhổ ra cả cục máu đông, hay kéo dài, sưng đau không giảm… bạn nên thông báo cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
Bạn có thể biết xem thêm thông tin nhổ răng ở những người có bệnh lý nền, trong đó có cao huyết áp của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hương – Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Bạch Mai trong video dưới đây:
Tài liệu tham khảo
- https://www.ada.org/resources/research/science-and-research-institute/oral-health-topics/hypertension
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5074706/