Cao huyết áp và máu nhiễm mỡ song hành cùng nhau có thể gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề cho sức khỏe người bệnh như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Vậy mối liên hệ giữa cao huyết áp và máu nhiễm mỡ là gì? Người mắc phải cả hai bệnh lý này cần lưu ý điều gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Cao huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch và được xác định bởi hai chỉ số là huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người được chẩn đoán là cao huyết áp khi trong ít nhất hai lần thăm khám liên tiếp, chỉ số trung bình qua ít nhất 2 lần đo của huyết áp tối đa ≥ 140mmHg và/hoặc chỉ số trung bình của huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg.
Cao huyết áp có thể biểu hiện qua một số triệu chứng như: Chóng mặt, nhức đầu, nóng mặt, mờ mắt, mệt. Tuy nhiên các dấu hiệu này thường không rõ ràng và có rất nhiều trường hợp bị cao huyết áp mà không có biểu hiện khác thường.
Máu nhiễm mỡ được chẩn đoán như thế nào?
Máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn chuyển hóa chất béo trong cơ thể khiến chỉ số mỡ trong máu vượt quá mức bình thường.
Máu nhiễm mỡ thường không biểu hiện triệu chứng. Cách duy nhất giúp bạn phát hiện tình trạng này là xét nghiệm máu để kiểm tra sự thay đổi của các thành phần mỡ trong máu.
Nếu kết quả xét nghiệm máu của bạn có Cholesterol toàn phần, Triglyceride và LDL – Cholesterol tăng cao hơn bình thường chứng tỏ bạn đang có biểu hiện của máu nhiễm mỡ. Trong khi đó nếu HDL – Cholesterol tăng cao sẽ là dấu hiệu tốt.
Tình trạng máu nhiễm mỡ là nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ tăng của các chỉ số trên.
Mối liên hệ giữa cao huyết áp và máu nhiễm mỡ
Cao huyết áp và máu nhiễm mỡ là đôi bạn thường xuyên đồng hành cùng nhau, tạo nên vòng tuần hoàn bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe người bệnh.
Tình trạng máu nhiễm mỡ sẽ khiến hàm lượng cholesterol trong máu bạn tăng cao. Theo thời gian, lượng cholesterol dư thừa này sẽ bám vào, tích tụ bên trong thành động mạch, hình thành nên các mảng xơ vữa động mạch.
Sự xuất hiện của các mảng xơ vữa này khiến lòng mạch máu hẹp lại, thành mạch trở nên xơ cứng, kém đàn hồi. Hậu quả là lưu thông máu bị cản trở, máu không được cung cấp đầy đủ đến các cơ quan, bộ phận trong cơ thể.
Theo đó, để cung cấp đủ nhu cầu máu, tim phải tăng cường làm việc bằng cách tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của tim, tăng thể tích máu nhờ giữ nước trong cơ thể,… nhằm thắng được sức cản của các mảng xơ vữa trên thành động mạch. Tất cả các cơ chế trên đều dẫn đến kết quả cuối cùng là tăng huyết áp.
Ngược lại, khi bị cao huyết áp, áp lực máu tăng cao thường xuyên dẫn đến lượng máu lưu thông trong lòng mạch tăng và gây giãn mạch. Cấu tạo mạch máu vốn không phải để chịu đựng dòng máu áp lực cao này. Vì vậy, qua thời gian dài, huyết áp cao sẽ gây tổn thương đến các động mạch và mạch máu khác.
Những vị trí trong lòng mạch máu bị tổn thương chính là vị trí tốt để các cholesterol dư thừa do máu nhiễm mỡ bám vào. Điều này dẫn đến sự tích tụ các mảng xơ vữa động mạch dễ dàng và ngày càng nhiều hơn, động mạch ngày càng thu hẹp và lại khiến huyết áp tăng cao hơn.
Như vậy, ở người bệnh vừa bị cao huyết áp vừa bị máu nhiễm mỡ, hai tình trạng này sẽ tự tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch và làm trầm trọng thêm diễn biến bệnh.
Đồng thời, chúng gây áp lực lên tim, mạch máu khiến sức khỏe của bạn ngày càng xấu đi và có thể gây ra vấn đề ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Biến chứng thường gặp khi cao huyết áp và máu nhiễm mỡ song hành
Phần lớn người bệnh cao huyết áp và máu nhiễm mỡ không nhận ra các triệu chứng bên ngoài của bệnh khi bệnh mới khởi phát. Do đó, hai tình trạng này cùng nhau xuất hiện lâu dài trong cơ thể trước khi được phát hiện, dẫn tới nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Cao huyết áp và máu nhiễm mỡ là mối nguy hại cho sức khỏe tim mạch
Mỡ máu và cao huyết áp thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, dẫn đến giảm dòng máu đến các cơ quan, trong đó có tim. Hậu quả là người bệnh có thể gặp phải các biến cố tim mạch nghiêm trọng như thiếu máu cơ tim cục bộ, nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp gây áp lực lên tim, khiến tim phải tăng cường hoạt động, qua thời gian dài có thể gây nên tình trạng suy tim.
Ngoài ra, sự tích tụ chất béo trên thành động mạch cũng có thể tạo thành các cục máu đông. Nếu các cục máu đông này vỡ ra, di chuyển đến tim, nó có thể khiến dòng máu đến tim bị tắc nghẽn hoàn toàn, từ đó gây ra các cơn đau tim.
Cao huyết áp và mỡ máu làm tăng nguy cơ đột quỵ não
Tương tự như đối với tim mạch, ở người bệnh mắc đồng thời cả cao huyết áp và máu nhiễm mỡ, các mảng xơ vữa động mạch có thể di chuyển từ nơi khác đến hoặc được hình thành ngay tại mạch máu não. Từ đó, lòng mạch hẹp lại, giảm lưu lượng tuần hoàn máu đến não dẫn đến thiếu máu não.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, máu lên não có thể bị tắc nghẽn đột ngột gây ra đột quỵ não, hay còn gọi là tai biến mạch máu não.
Nhiều thống kê đã chỉ ra rằng có khoảng 93% trường hợp đột quỵ não có tiền sử rối loạn mỡ máu.
Điều trị cao huyết áp hay máu nhiễm mỡ trước?
Người bệnh cao huyết áp hay máu nhiễm mỡ đều có nguy cơ mắc phải các biến chứng tim mạch nguy hiểm cao hơn so với những người bình thường không mắc phải cả hai tình trạng trên.
Nếu bạn chỉ kiểm soát huyết áp tốt mà không kiểm soát được tình trạng máu nhiễm mỡ hay ngược lại thì tỉ lệ gặp biến chứng tim mạch (đau tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim) đều vẫn rất cao.
Chính vì vậy, người vừa bị bệnh huyết áp cao vừa bị máu nhiễm mỡ cần điều trị song song, kiểm soát tốt cả hai bệnh cùng lúc để ngăn ngừa nguy cơ tim mạch, bảo vệ và duy trì sức khỏe một cách tốt nhất,
Người mắc đồng thời cao huyết áp và máu nhiễm mỡ cần làm gì?
Để kiểm soát tốt đồng thời cả cao huyết áp và máu nhiễm mỡ, tránh các biến chứng nguy hiểm, bạn cần phối hợp tốt giữa việc sử dụng các loại thuốc điều trị và thực hiện một lối sống khoa học.
Điều trị bằng thuốc
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp và hạ mỡ máu có hiệu quả trong việc kiểm soát tốt cả tình trạng cao huyết áp và máu nhiễm mỡ.
Tùy theo diễn biến bệnh, tình trạng sức khỏe, cơ thể, lứa tuổi của mỗi người mà bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc khác nhau. Do đó, bạn cần sử dụng thuốc theo đúng đơn và chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng chung đơn thuốc với người khác.
Ngoài ra, cao huyết áp là bệnh lý mạn tính cần điều trị suốt đời. Vì vậy bạn cần sử dụng thuốc đều đặn, không tự ý tăng liều, giảm liều hay dừng thuốc đột ngột để kiểm soát huyết áp một cách tốt nhất.
Đặc biệt, các loại thuốc điều trị đều có thể gây ra một số tác dụng phụ. Bạn cần theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trong quá trình sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ khi thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Những loại thuốc cao huyết áp phổ biến nhất hiện nay
Thay đổi lối sống
Xây dựng lối sống lành mạnh sẽ tác động tích cực đến tình trạng rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân cao huyết áp:
☛ Chế độ ăn uống lành mạnh
- Bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây vào bữa ăn hàng ngày.
- Hạn chế sử dụng mỡ động vật và thay thế bằng các loại dầu thực vật.
- Không nên ăn nhiều thịt và lòng động vật.
- Ăn nhiều cá, nên ăn cá 2 – 3 lần/ tuần thay cho thịt.
- Hạn chế sử dụng bia rượu.
☛ Giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày
Nồng độ natri trong cơ thể quá cao vừa gây tăng huyết áp, vừa khiến việc chuyển hóa lipid máu gặp khó khăn. Do đó, người bệnh cao huyết áp đồng thời bị máu nhiễm mỡ cần giảm lượng muối tiêu thụ trong chế độ ăn hàng ngày của mình.
☛ Hạn chế ăn uống quá muộn
Thời điểm tốt nhất để người bệnh cao huyết áp và máu nhiễm mỡ ăn tối là vào 6h – 7h tối, tránh ăn uống sau 8h tối. Ăn tối quá muộn hoặc ăn quá nhiều sẽ khiến thức ăn khó được hấp thu, gây lắng đọng cholesterol trên thành mạch.
☛ Duy trì tập luyện thể dục
Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như chơi cầu lông, đi bộ giúp cải thiện tốt cả hai tình trạng huyết áp cao và mỡ máu.
☛ Kiểm soát cân nặng
Nếu bạn đang thừa cân, hãy giảm cân một cách an toàn bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện. Giảm cân vừa có ích trong việc giảm mỡ máu, vừa tác động tốt đến tình trạng cao huyết áp của bạn.
☛ Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng tăng huyết áp. Bên cạnh đó, hút thuốc cũng làm tăng nồng độ cholesterol có hại (LDL) và giảm cholesterol có lợi (HDL), từ đó thúc đẩy tình trạng xơ vữa động mạch. Do đó, bạn cần bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc nếu đang bị cao huyết áp và máu nhiễm mỡ.
☛ Đo huyết áp thường xuyên
Bạn nên theo dõi huyết áp bằng máy đo huyết áp cá nhân hàng ngày tại nhà để giúp kiểm soát tình trạng bệnh của mình tốt hơn, giảm thiểu các nguy cơ biến chứng gây ra do huyết áp cao.
☛ Thăm khám định kỳ
Bạn có thể theo dõi chỉ số huyết áp của mình ngay tại nhà, nhưng bạn cần xét nghiệm máu mới có thể biết được chỉ số mỡ máu của mình. Do đó, việc đến các cơ sở y tế thăm khám sức khỏe thường xuyên là rất quan trọng để chắc chắn rằng cả huyết áp và mỡ máu của bạn đều đang được kiểm soát tốt.
Thăm khám định kỳ còn giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, hiệu quả điều trị hiện tại và các nguy cơ mà bạn có thể mắc phải. Từ đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất dành cho bạn.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Chữa cao huyết áp tại nhà, người bệnh nào cũng áp dụng được
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/diagnosis-treatment/drc-20350806
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410
- https://www.healthline.com/health/high-cholesterol/treating-with-statins/hypertension#3