Tăng huyết áp hiện đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại với số lượng người mắc phải ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, các tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp cũng được cập nhật liên tục nhằm đáp ứng việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để cải thiện tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong và các biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
Mục lục
Tổng quan về tăng huyết áp
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch tăng cao hơn so với mức bình thường.
Phần lớn tăng huyết áp không có nguyên nhân (chiếm 95%), còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Tăng huyết áp có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát) chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 5%.
Dù không có triệu chứng và dấu hiệu điển hình nhưng tăng huyết áp lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong năm 2015, đã có tới 10 triệu người tử vong do bệnh lý này, trong đó có 4,9 triệu trường hợp là do biến chứng thiếu máu cơ tim cục bộ và 3,5 triệu người do đột quỵ. Tăng huyết áp cũng có thể gây bệnh thận mạn và bệnh động mạch ngoại biên.
Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ bị tăng huyết áp, hãy đến các cơ sở y tế thăm khám để chẩn đoán bệnh sớm và có các biện pháp điều trị kịp thời.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Tăng huyết áp là bệnh gì? Những lưu ý cần biết
Chẩn đoán xác định tăng huyết áp bằng cách nào?
Tăng huyết áp được chẩn đoán xác định thông qua việc đo huyết áp của người bệnh. Đo huyết áp có thể tiến hành tại phòng khám hay ngay tại nhà của bạn.
Đo huyết áp tại phòng khám
Đo huyết áp tại phòng khám hay trên lâm sàng được thực hiện phổ biến nhất để làm cơ sở chẩn đoán và theo dõi tình trạng tăng huyết áp.
Việc chẩn đoán tăng huyết áp sẽ không chỉ dựa vào một lần đo huyết áp tại phòng khám.
Theo khuyến cáo của ISH (Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới), để đưa ra chẩn đoán xác định tăng huyết áp, bác sĩ cần đo huyết áp của bạn trong 2 – 3 lần thăm khám trong khoảng thời gian từ 1 – 4 tuần (phụ thuộc vào mức huyết áp của bạn), mỗi lần khám cần đo ít nhất 2 lần.
Bên cạnh đó, những người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường, người có các nguyên nhân khác gây tụt huyết áp tư thế cần đo thêm huyết áp sau khi người bệnh đứng dậy từ 1 – 3 phút.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Cách đo huyết áp đúng có thể bạn chưa biết
Đo huyết áp ngoài phòng khám
Bên cạnh đo huyết áp tại phòng khám, các số đo huyết áp ngoài phòng khám cũng là yếu tố cần thiết trong việc chẩn đoán cao huyết áp.
Cách đo huyết áp này còn giúp xác định các hiện tượng tăng huyết áp áo choàng trắng và tăng huyết áp ẩn giấu, theo dõi tổn thương cơ quan đích, nguy cơ biến chứng tim mạch và có thể hữu ích trong đánh giá đáp ứng với điều trị bằng thuốc cao huyết áp.
Đo huyết áp ngoài phòng khám bao gồm tự đo huyết áp tại nhà bởi người bệnh và theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ.
Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp
Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp năm 2020, Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới (ISH) đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp theo cách đo như sau:
✔ Huyết áp đo tại phòng khám: Huyết áp tối đa (Huyết áp tâm thu) ≥ 140 mmHg và huyết áp tối thiểu (Huyết áp tâm trương) ≥ 90 mmHg.
✔ Theo dõi huyết áp liên tục 24h:
- Trung bình 24h: Huyết áp tối đa ≥ 130 mmHg và huyết áp tối thiểu ≥ 80 mmHg.
- Trung bình ban ngày ( hoặc lúc mới ngủ dậy): Huyết áp tối đa ≥ 135 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 85 mmHg.
- Trung bình ban đêm ( hoặc lúc đi ngủ): Huyết áp tối đa ≥ 120 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 70 mmHg.
✔ Theo dõi huyết áp tại nhà (tự đo): Huyết áp tối đa ≥ 135 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 85 mmHg.
Phân độ tăng huyết áp
Sau khi được chẩn đoán, dựa vào số đo huyết áp do bác sĩ đo được tại phòng khám, bạn có thể xác định được mức độ tăng huyết áp của mình theo tiêu chuẩn phân loại tăng huyết áp sau:
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tối đa < 130 mmHg và huyết áp tối thiểu < 85 mmHg.
- Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tối đa 130 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu 85 – 89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tối đa 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu 90 – 99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tối đa ≥ 160 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 100 mmHg.
Lưu ý: Nếu huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu không cùng một mức phân loại thì chọn mức huyết áp cao hơn để phân loại.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến một số thể tăng huyết áp đặc biệt sau:
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tối đa > 140 mmHg và huyết áp tối thiểu < 90 mmHg. Thể tăng huyết áp này thường gặp ở người lớn tuổi. Độ chênh giữa huyết áp tối đa và tối thiểu sẽ dự báo nguy cơ và hướng điều trị bệnh.
- Tăng huyết áp tâm trương đơn độc: Thường xảy ra ở người trung niên, là tình trạng huyết áp tối đa < 140 mmHg và huyết áp tối thiểu > 90 mmHg.
- Tăng huyết áp áo choàng trắng: Là tình trạng số đo huyết áp của bạn tại phòng khám cho thấy có tăng huyết áp (≥ 140/90 mmHg) nhưng số đo huyết áp ngoài phòng khám lại không phù hợp chẩn đoán tăng huyết áp. Tỷ lệ mắc phải tình trạng này khá cao, khoảng 10 – 30% số người khám tăng huyết áp.
- Tăng huyết áp ẩn giấu: Là trường hợp số đo huyết áp bình thường khi đo tại phòng khám nhưng huyết áp đo ngoài phòng khám lại tăng cao. Tăng huyết áp ẩn giấu có thể phát hiện nhờ theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ.
- Cơn tăng huyết áp: Xảy ra khi huyết áp của bạn tăng cao trên 180/120mmHg.
Các bước đánh giá tình trạng tăng huyết áp khác
Nhằm thiết lập chẩn đoán đầy đủ, toàn diện, ngoài việc chẩn đoán xác định bằng đo huyết áp, bạn cần thực hiện một số bước đánh giá tình trạng tăng huyết áp khác bao gồm: Thăm hỏi bệnh chi tiết, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.
Việc đánh giá này giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân tăng huyết áp, ngưỡng điều trị, mục tiêu điều trị và lựa chọn các loại thuốc cao huyết áp phù hợp với bạn.
Hỏi bệnh chi tiết
Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để đánh giá, khai thác tiền sử gia đình và bản thân như:
- Tiền sử gia đình về các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh mạch máu ngoại biên.
- Tiền sử các bệnh lý tim mạch: bệnh động mạch vành, suy tim, tai biến mạch máu não của bạn.
- Các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như béo phì, hút thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn nhiều muối hay nhiều chất béo, stress tâm lý.
- Các thuốc điều trị tăng huyết áp đã dùng, liều lượng, mức độ đáp ứng, tác dụng phụ của thuốc.
Thăm khám lâm sàng
Thăm khám lâm sàng giúp bác sĩ đánh giá được các dấu hiệu gợi ý tăng huyết áp thứ phát, các triệu chứng tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp nếu có và xem xét bệnh nhân có bị béo phì hay không.
Khám lâm sàng có thể bao gồm: khám toàn trạng chung (đo chiều cao, cân nặng, vòng eo, tính BMI), khám hệ tim mạch (nghe nhịp tim, tiếng thổi ở tim,…), khám đáy mắt, khám bụng,…
Xét nghiệm cận lâm sàng
Đối tượng cần thực hiện các xét nghiệm này thường là người bệnh tăng huyết áp trẻ tuổi, tăng huyết áp nặng hay tăng huyết áp tiến triển nhanh.
Các xét nghiệm cơ bản gồm:
- Xét nghiệm sinh hóa máu: Đường máu (tốt nhất nên làm lúc đói), thành phần lipid máu (Cholesterol toàn phần, triglycerid, HDL-C, LDL-C), điện giải máu (Kali, Natri), acid uric máu, creatinin máu.
- Xét nghiệm huyết học: Hemoglobin and hematocrit.
- Phân tích nước tiểu.
- Điện tâm đồ.
Những lưu ý khi đi khám tăng huyết áp
Đo huyết áp là việc làm cần thiết khi thăm khám tăng huyết áp. Do đó, để quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi và kết quả chẩn đoán được chính xác nhất, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Tránh mặc áo có phần ống tay áo bó chặt vào cánh tay có thể dẫn đến kết quả sai lệch.
- Tránh ăn, uống các loại đồ uống kích thích như cà phê, rượu, bia và hút thuốc trước khi đo huyết áp 2 giờ.
- Nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, stress trước khi đo.
- Đi vệ sinh trước khi tiến hành đo huyết áp.
Bạn cũng nên chuẩn bị trước một số thông tin mà bác sĩ có thể hỏi trong buổi thăm khám. Việc này sẽ giúp bạn không bỏ quên bất kỳ thông tin quan trọng nào:
- Các triệu chứng bạn đang gặp phải và thời gian xảy ra.
- Các thông tin cá nhân quan trọng như tiền sử gia đình về các bệnh lý tim mạch, những căng thẳng hoặc những thay đổi trong cuộc sống gần đây.
- Danh sách các loại thuốc, vitamin, thực phẩm bổ sung mà bạn đang dùng.
- Các câu hỏi bạn muốn hỏi bác sĩ.
Bên cạnh đó, ngay cả khi không có các dấu hiệu của tăng huyết áp, bạn vẫn nên thăm khám huyết áp thường xuyên để kiểm soát tốt sức khỏe của mình. Nếu bạn trên 18 tuổi, bạn nên thăm huyết áp ít nhất 2 năm một lần. Nếu bạn từ 40 tuổi trở lên, hoặc bạn trong độ tuổi 18 – 39 tuổi nhưng nguy cơ tim mạch cao, bạn nên khám huyết áp định kỳ mỗi năm.
Trên đây là những thông tin về tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp và một số lưu ý trong quá trình khám bệnh tăng huyết áp. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20373417
- https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/HYPERTENSIONAHA.120.15026
- https://www.ejinme.com/article/S0953-6205(20)30346-0/fulltext